Nằm trong danh sách kiểm tra có mỏ vàng sa khoáng Bản Ná và mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long.

Đối với mỏ vàng sa khoáng Bản Ná, theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3068/GP-UBND ngày 5/12/2008 cho phép được khai thác vàng sa khoáng với trữ lượng 1.021.679m3 cát quặng; sản lượng khai thác 320.000m3 cát quặng/năm; diện tích  khu vực khai thác 32,6ha; phương pháp khai thác lộ thiên; thời hạn giấy phép 7 năm kể từ ngày 12/6/2008.

Ngày 29/5/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1289/QĐ-UBND điều chỉnh một số nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản số 3068/GP-UBND, cụ thể: Trữ lượng khai thác 170.254m3 cát quặng; sản lượng khai thác 25.000m3 cát quặng/năm; thời hạn giấy phép 8 năm (đến hết ngày 06/12/2021). Các nội dung khác trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 3068/GP-UBND ngày 5/12/2008 của UBND tỉnh Thái Nguyên được giữ nguyên.

Sau khi được cấp phép, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long đã được thuê đất, tiến hành khai thác từ năm 2011 đến tháng 6/2020 thì dừng hoạt động khai thác, lập hồ sơ đóng cửa mỏ trình thẩm định, phê duyệt (nộp ngày 26/7/2021).

Trực tiếp xuống hiện trường, ông Cao Minh Luận, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra số 2 cho biết: Sản lượng đã khai thác, công suất khai thác của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long phù hợp trữ lượng, công suất theo giấy phép khai thác.

Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của công ty nghiêm túc, cụ thể: Công ty đã nộp đầy đủ tổng số tiền phải nộp 90.046.205.000 đồng (bao gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác nước mặt, phí nước thải công nghiệp, thuế giá trị gia tăng, lệ phí môn bài).

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 799/GP-UBND ngày 20/4/2009; Quyết định số 2646/QĐ-UBND ngày 2/10/2015 điều chỉnh một số nội dung tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 799/GP-UBND cho phép được khai thác vàng sa khoáng tại mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm với trữ lượng 241.502m3 cát quặng (trữ lượng địa chất 254.212m3 cát quặng); công suất được phép khai thác 17.000m3 cát quặng/năm; phương pháp khai thác lộ thiên; diện tích khai thác 42,09ha, trong đó: Diện tích khai thác 34,09ha, diện tích mặt bằng công nghiệp và văn phòng 8ha; thời hạn giấy phép 17 năm, tính từ ngày 28/1/2015 đến hết ngày 28/1/2032, trong đó thời gian xây dựng cơ bản mỏ 1 năm, thời gian khai thác mỏ 15 năm, thời gian cải tạo phục hồi môi trường 1 năm. Sau khi được cấp phép, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long đã được thuê đất, tiến hành khai thác từ tháng 11/2018 đến nay.

Ở khía cạnh liên quan, ngày 26/4/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có Quyết định số 1255/QĐ-UBND về việc cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long thuê đất, để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản tại mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (đợt 2), nêu rõ: Cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long thuê diện tích 36.555m2 đất (được UBND huyện Võ Nhai thu hồi và giải phóng mặt bằng), để sử dụng vào mục đích khai thác vàng sa khoáng tại khu vực Khắc Kiệm. Thời hạn thuê đất đến ngày 28/1/2032. Hình thức thuê đất, Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Vị trí, ranh giới khu đất được xác định tại bản trích lục địa chính từ tờ bản đồ trích đo số 1,2,3, tờ bản đồ địa chính số 80, xã Thần Sa phục vụ công tác thuê đất, dự án mỏ vàng sa khoáng khu vực Khắc Kiệm (giai đoạn 2) do Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường lập ngày 25/5/2020 và ngày 16/6/2020.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, sản lượng khoáng sản đã khai thác và công suất khai thác của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long phù hợp với giấy phép khai thác được cấp. Việc sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới. Đối với việc chấp hành các quy định trong khai thác mỏ, công ty đã thực hiện cắm mốc chỉ giới khu vực được phép khai thác.

“Tại thời điểm kiểm tra, công ty đang hoạt động trong tọa độ, diện tích khu vực được cấp phép, được thuê đất. Hoạt động khai thác phù hợp với thiết kế mỏ đã phê duyệt”, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Về nghĩa vụ tài chính, công ty đã nộp đầy đủ tổng số tiền phải nộp 12.980.614.000 đồng (bao gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác nước mặt, phí nước thải công nghiệp).

Trước đó, tháng 11/2018, tại báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo của công dân và phản ánh của báo chí gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn đã khẳng định: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Khoáng sản Thăng Long thực hiện khai thác khoáng sản theo đúng độ sâu, đúng chỉ giới cấp phép, đã được Nhà nước cho thuê đất, không tiến hành khai thác ngoài chỉ giới cấp phép; việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đúng quy định pháp luật.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, “thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án khai thác vàng sa khoáng khu vực Khắc Kiệm, xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 791/TTg/KTN ngày 4/6/2015 và thực hiện đầy đủ thủ tục thu hồi đất theo quy định”.

Cụ thể: Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1929/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 19/5/2015 về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngày 4/6/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có văn bản “đồng ý UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định chuyển mục đích sử dụng 592,01 ha đất trồng lúa để thực hiện 20 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Được biết, dự án khai thác mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm và công trình phụ trợ tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai có diện tích 54,14ha, trong đó 28,5ha là đất trồng lúa.