Kiểm tra 50 hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề và 50 hồ sơ cấp giấy phép hoạt động của năm 2019 được lưu tại Phòng Quản lý hành nghề Y Dược của Sở Y tế (lấy ngẫu nhiên) cho thấy nhiều hồ sơ không có phiếu tiếp nhận hồ sơ, một số phiếu xét duyệt hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề thì cả thư ký và chủ tịch hội đồng chỉ ký mà không ghi rõ họ tên. 

Nhiều hồ sơ cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được đánh số lưu trữ vì vậy rất khó tìm để tra cứu. Theo Thanh tra Bộ Y tế, việc thành phần đoàn thẩm định cấp giấy phép hoạt động không mời bác sĩ chuyên khoa của tỉnh để tham gia thẩm định cho các phòng khám là chưa chặt chẽ. 

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, việc các cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với các bệnh viện, trung tâm y tế là không đúng với chức năng của các bệnh viện, trung tâm y tế. 

Theo đánh giá của đoàn thanh tra, mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An được tăng cường song thực tế vẫn chưa được thường xuyên, liên tục. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do mạng lưới cơ sở nghề y ngày càng mở rộng, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng và chế tài xử phạt còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực  tế. 

Bên cạnh đó, nhiều văn bản dưới luật, nghị định còn chồng chéo và chưa kịp thời gây khó khăn cho việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Cụ thể, Công văn số 3928 ban hành ngày 9/7/2019 về việc dừng đào tạo định hướng chuyên khoa và yêu cầu ngừng cấp bổ sung, cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn cho đến khi có hướng dẫn mới nhưng đến hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Công văn số 1659 ngày 29/3/2019 về việc chấn chỉnh việc cấp bổ sung, thay đổi phạm vi hoạt động của bác sỹ y học cổ truyền, nhưng Công văn số 4018 ngày 28/7/2020 lại cho phép. 

Trong khi đó, hệ thống phần mềm phục vụ quản lý người hành nghề và cơ sở khám, chữa bệnh còn chưa hoàn thiện và đồng bộ nên còn gặp nhiều khó khăn trong  công tác quản lý. 

Tại một số cơ sở khám chữa bệnh như: Bệnh viện Quốc tế Vinh, Bệnh viện Đa khoa TTH, Phòng khám Đa khoa tư nhân Yên Lý còn tình trạng bệnh án làm sơ sài, viết tắt, viết ngoáy nhiều, khó đọc, nhân viên y tế chỉ ký mà không ghi rõ họ tên đầy đủ; không đánh số thứ tự, không ghi số lượng bằng chữ đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần. Biên bản hội chẩn làm theo mẫu của Bộ Y tế nhưng ghi chép sơ sài, không đầy đủ chữ ký của các thành phần tham gia hội chẩn như: chủ toạ, thư ký, thành viên.

Đáng lưu ý, tại thời điểm thanh tra, Bệnh viện Quốc tế Vinh có trang thông tin điện tử trên mạng internet là trang http://www.facebook.com/Benhvienquoctevinh và website để đăng tải  thông tin và quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là http://www.hoamyvinh.com/#slider khi chưa được cấp giấy tiếp nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Tương tự, tại một số cơ sở khám, chữa bệnh khác như: Phòng khám Đa khoa tư nhân Yên Lý, Phòng khám Đa khoa tư nhân Đồng Thành, Phòng khám bệnh Răng hàm mặt tư nhân Quỳnh còn có hiện tượng nhiều bệnh án dùng bút xoá để tẩy xoá nhiều chỗ trong bệnh án. Phòng khám chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế riêng. Bệnh án điều trị cho người bệnh ngoại trú không làm theo mẫu của Bộ Y tế, ghi chép còn sơ sài, không đầy đủ các cột mục…

Thanh tra công tác quản lý Nhà nước về dân số tại Sở Y tế Nghệ An, đoàn thanh tra cũng chỉ ra, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh hằng năm chưa đạt. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh hằng năm mặc dù đạt nhưng chất lượng dịch vụ chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ngoài ra, cán bộ lấy mẫu máu gót chân hằng năm không được đào tạo và đào tạo lại dẫn tới kỹ thuật lấy mẫu máu còn nhiều sai sót, tỷ lệ mẫu hỏng còn cao. Chi phí lấy mẫu và xét nghiệm còn quá thấp so với khung giá dịch vụ xã  hội hóa. 

Đoàn thanh tra đã xử phạt Bệnh viện Quốc tế Vinh và Phòng khám bệnh Răng hàm mặt tư nhân Quỳnh số tiền hơn 36 triệu đồng.

Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Nghệ An tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn việc chấp hành những quy định của pháp luật đối với các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn quản lý; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được thanh tra khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế. Rà soát các hồ sơ cấp giấy phép hoạt động, bổ sung các giấy tờ còn thiếu và thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ theo qui định.

Bên cạnh đó, chấn chỉnh công tác thẩm định để cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh của UBND cấp huyện. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân để các cơ sở nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động.

Phương Anh