Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện

Dự án tại lô đất C3 là một phần dự án khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhưng năm 2009 UBND TP Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá.

Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 4 thửa đất thấp tầng ký hiệu C12, C13, C36, C37 của dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh do Tổng Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư khi không đủ điều kiện theo quy định như: Phần diện tích tăng thêm của mỗi thửa đất là 30m2 ra đất đường giao thông nội bộ so với quy hoạch tổng mặt bằng do chủ đầu tư chuyển nhượng cho khách hàng nhưng chưa được các cơ quan chức năng và TP điều chỉnh quy hoạch, chưa cho phép chuyển mục đích SDĐ, xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy đã thay đổi mục đích và công năng sử dụng từ thuê đất xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng với diện tích 1.438,5 m2 đã được phê duyệt sang giao đất có thu tiền SDĐ xây dựng căn hộ chung cư để bán. Mặc dù đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, nhưng chưa được UBND TP Hà Nội cho phép điều chỉnh dự án đầu tư và chuyển mục đích SDĐ, chưa xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất bổ sung.

Tiền SDĐ dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy, chủ đầu tư đã chuyển một phần diện tích từ đất thuê trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu tiền SDĐ khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đoàn thanh tra tạm tính số tiền bổ sung 403,3 triệu đồng.

Tại dự án tổ hợp khách sạn, thương mại, văn phòng và nhà ở thấp tầng tại 107 đường Xuân La, chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện theo quy định như: Dự án chưa được bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất tại thực địa; chưa có quyết định phê duyệt thu SDĐ, tiền thuê đất, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa có giấy phép xây dựng; xây dựng khu nhà thấp tầng 46 căn, vượt 6 căn so với quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng có Văn bản số 13/BXD-HDXD ngày 17/01/2017 hướng dẫn Công ty CP Đầu tư An Lộc thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng đối với Khu nhà ở thấp tầng của dự án là không phù hợp với quy định Luật Xây dựng năm 2014, vì bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc theo quy định không phải là quy hoạch chi tiết 1/500.

3.974,1 tỷ đồng sai phạm khi chuyển mục đích SDĐ

Chủ đầu tư dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ, công cộng - Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng, khởi công xây dựng công trình trước khi được UBND TP Hà Nội cho phép chuyên mục đích SDĐ để thực hiện dự án trước khi cấp giấy phép xây dựng. Xây dựng công trình 28 tầng vượt 2 tầng căn hộ ở so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng; xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được phê duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng: Tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và tầng 3 cao 4,5m, hiện đang cho thuê làm vãn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và tầng 12 cao 3m, hiện đã chia phòng thành 14 căn hộ đã bán cho khách hàng; xây dựng 78 căn hộ không đúng hồ sơ cấp phép, dẫn đến người mua nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà.

“UBND TP Hà Nội không xử lý các sai phạm của chủ đầu tư, để tồn tại nhiều năm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Mặt khác, việc chuyển nhượng vốn góp của một số nhà đầu tư tại một số dự án sau khi hợp tác đầu tư thực hiện dự án, có phát sinh về thu nhập chuyển nhượng vốn góp nhưng không kê khai hoặc kê khai thiếu, cơ quan thuế chưa tiến hành thu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Đoàn thanh tra tạm tính số tiền phải nộp, gồm: Công ty CP Dệt Mùa Đông - dự án tại 47 Nguyễn Tuân 22,9 tỷ đồng; Công ty Thực phẩm miền Bắc - dự án tại 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản 5,9 tỷ đồng; Công ty CP Dụng cụ số 1 - dự án tại 108 đường Nguyễn Trãi 20,3 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng; UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND quận Hoàng Mai và các chủ đầu tư dự án.

Kết luận nêu rõ, ở các dự án chuyển mục đích SDĐ có tổng số tiền sai phạm là 3.974,1 tỷ đồng.

Trong đó: 403,3 tỷ đồng, tạm tính tiền SDĐ do chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích SDĐ của dự án 302 Cầu Giấy; 89,9 tỷ đồng, tạm tính tiền sử dụng đất bổ sung đối với tầng kỹ thuật do chủ đầu tư một số dự án sử dụng vào mục đích kinh doanh; 1.462,3 tỷ đồng tiền SDĐ, thuê đất do chủ đầu tư của một số dự án còn nợ đọng; 488,9 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền SDĐ do chủ đầu tư của một số dự án còn nợ đọng; 49,3 tỷ đồng, tạm tính tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp do một số nhà đầu tư tại một số dự án chưa thực hiện và 1.480,3 tỷ đồng, tạm tính tiền SDĐ của một số dự án phải nộp bổ sung, do UBND TP Hà Nội khi tính tiền SDĐ đã đưa một số khoản chi phí vào xác định không đúng quy định.

Bài 3: Dự án xe buýt nhanh BRT gây lãng phí ngân sách Nhà nước

 

Thái Hải