Chính sách sơ hở, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước

Kết luận thanh tra chỉ ra, công tác quản lý sử dụng đất (SDĐ) và đầu tư xây dựng đối với một số dự án chuyển mục đích SDĐ có vị trí lợi thế kinh doanh trong giai đoạn 2003 - 2016 còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.

UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích SDĐ đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư dựa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn như: Dự án 31 Láng Hạ (514,9 tỷ đồng); dự án 378 Minh Khai (312,9 tỷ đồng); doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên; dự án tại 365A Minh Khai; dự án 167 Thụy Khuê; dự án 69 Vũ Trọng Phụng; dự án 47 Nguyễn Tuân; dự án 108 Nguyễn Trãi, dự án 44 Yên Phụ, dự án tại 430 Cầu Am...

“Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền SDĐ cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích SDĐ thực hiện dự án. Đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN) trong quá trình chuyển mục đích SDĐ và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa”, TTCP nêu rõ.

Dự án tại lô đất C3 là một phần dự án khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn NSNN, nhưng năm 2009, UBND TP Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá là vi phạm quy định.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chức lập 68 đồ án bao gồm 35 đồ án quy hoạch phân khu và 33 đồ án quy hoạch chung. Tuy nhiên, việc triển khai đồ án quy hoạch phân khu quá chậm, các đồ án quy hoạch phân khu đến năm 2015 mới được phê duyệt, đến thời điểm thanh tra vẫn còn 4 đồ án quy hoạch phân khu nội thành chưa được phê duyệt (HI-2; HI-3, HI-4; H1-1A,1B,1C). Việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hường đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.

Kiểm tra 38 dự án cho thấy, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần; có 20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng.

Điều đáng nói, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật và Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt, thực tế một số chủ đầu tư dự án không sử dụng vào công năng kỹ thuật mà chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại và dịch vụ công cộng cho thuê nhưng chưa được UBND Hà Nội và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiền SDĐ, dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền SDĐ, tiền thuê đất, gây thất thu NSNN.

Bên cạnh đó, chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư 11 dự án xây dựng công trình tầng hầm vượt chi giới xây dựng, có dự án trùng với chỉ giới đường đỏ.

Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đối với dự án phát triển nhà Phong Phú - Daevvon - Thủ Đức tại 378 Minh Khai, không phù hợp với quy hoạch phân khu H2-4 tỷ lệ 1/2000, làm giảm diện tích đất cây xanh khu đất E1-CX1 từ 7.600m2 xuống còn 2.573,7m2. Dự án nhóm A, công trình cấp 1 nhưng UBND quận Hai Bà Trưng cấp giấy phép xây dựng không đúng thẩm quyền.

Nợ 1.951,2 tỷ đồng tiền SDĐ, tiền thuê đất

TTCP cũng chỉ ra, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng chưa được chú trọng; việc thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc, các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch, tự ý điều chỉnh mục đích SDĐ, sử dụng không đúng công năng, mục đích, ảnh hưởng đến cộng đồng, gây thất thu ngân sách.

Trong số 38 dự án có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ quy định. Tuy nhiên, chỉ có 1 dự án được UBND TP xác định tiền chậm tiến độ (dự án 47 Nguyễn Tuân) với số tiền trên 13.000 triệu đồng, còn lại 4 dự án UBND TP không thực hiện, gồm: Dự án tại 31 Láng Hạ, dự án tại 108 Nguyền Trãi và dự án tại đường Ngụy Như Kon Tum do Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, gây thất thu NSNN.

Việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền SDĐ đối với dự án chuyển mục đích SDĐ không căn cứ các quy định của pháp luật. Các dự án ở 2 giai đoạn này, liên ngành (thực hiện theo Thông tư 145) và Sở Tài nguyên và Môi trường (thực hiện theo Thông tư 36) đã trình UBND TP khi xác định giá tiền SDĐ theo phương pháp thặng dư, trong đó tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi phí không đúng theo quy định của pháp luật như: Chi phí dự phòng, lãi tiền vay ngân hàng, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng, và khoản thu nhập chịu thuế tính trước 5,5% trong suất đầu tư (giai đoạn thực hiện theo Thông tư 36)... để giảm trừ khi xác định giá thu tiền SDĐ, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi NSNN bị thất thu số tiền lớn. Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền 1.480,3 tỷ đồng.

Về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính từ đất, kiểm tra 38 dự án, TTCP chỉ ra, tại thời điểm thanh tra có 8 dự án còn nợ đọng tiền SDĐ, tiền thuê đất, và tiền chậm nộp với tổng số tiền 1.951,2 tỷ đồng (trong đó tiền SDĐ, tiền thuê đất 1.462,3 tỷ đồng; tiền chậm nộp 488,9 triệu đồng).

Bài 2: Hàng loạt dự án có vị trí đắc địa bị thanh tra điểm mặt

Thái Hải