Kiểm tra sau cấp phép còn hạn chế

Từ năm 2007 đến năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 129 giấy phép cho 129 điểm mỏ khai thác khoáng sản, bao gồm: 11 điểm mỏ khai thác đá xây dựng; 85 điểm khai thác đất san lấp; 25 điểm mỏ khai thác cát sỏi; 7 điểm khai thác tận thu đá có hàm lượng felspat và 1 điểm tận thu than bùn. Trong đó, 48 điểm mỏ đang còn hiệu lực giấy phép.

Hiện nay, công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đã được tỉnh triển khai theo hướng cải cách thủ tục hành chính, cấp giấy phép thực hiện theo quy chế một cửa và TCVN ISO 9001- 2008 đã từng bước bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về khoáng sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản. Các loại giấy phép hoạt động khoáng sản được cấp dựa trên các quy định của pháp luật khoáng sản và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tổ chức thẩm định, phê duyệt 35 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 1 đề án bảo vệ môi trường chi tiết dối với lĩnh vực khai thác khoáng sản, 29 phương án cải tạo phục hồi môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác nhận 10 bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, 18 kế hoạch bảo vệ môi trường. UBND các huyện đã xác nhận 59 bản cam kết bảo vệ môi trường và 58 dự án cải tạo phục hồi môi trường.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh, việc thực hiện đánh giá tác động môi, cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản về cơ bản đầy đủ song việc tổ chức các hoạt động sau thẩm định còn hạn chế, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông.

Giai đoạn năm 2007 đến 2018, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 38 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 135 tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã xử phạt đối với 5 tổ chức vi phạm, thu hồi 45 triệu đồng về ngân sách Nhà nước.

Nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường

Theo số liệu thống kê và đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, tại UBND các huyện Bình Xuyên, Tam Dương và Lập Thạch đã phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường cho 8 chủ đầu tư tại 11 điểm mỏ. Trong quá trình khai thác đất, UBND các huyện trên chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cải tạo phục hồi môi trường. 

Dẫn đến, 5 chủ đầu tư thực hiện khai thác tại 6 điểm mỏ đã hết hạn khai thác, có cải tạo phục hồi môi trường nhưng tiến độ chậm theo quy định. 2 chủ đầu tư thực hiện khai thác tại 2 điểm mỏ đã kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản nhưng không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. 2 chủ đầu tư tại 2 điểm mỏ chưa ký quỹ bảo vệ môi trường, do chưa có quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

Riêng đối với UBND xã Trung Mỹ, công tác quản lý đất đai của UBND xã Trung Mỹ chưa được chặt chẽ, để người dân tiếp tục khai thác đất trái phép với diện tích 8.714m2, chưa thực hiện cải tạo phục hồi môi trường đối với diện tích đất này theo quy định. 

Qua kiểm tra tại 8 dự án khác thì có tới 7 chủ đầu tư thực hiện khai thác tại 10 điểm mỏ đã hết hạn khai thác nhưng không lập đề án, dự án đóng cửa mỏ, vi phạm Quyết định 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, 5 chủ đầu tư đã hết thời hạn khai thác nhưng việc cải tạo, phục hồi môi trường còn chậm tiến độ so với đề án, kế hoạch, phương án, cam kết được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là chưa thực hiện đúng Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Một số chủ đầu tư vi phạm nhiều lỗi như: Tại các điểm mỏ đã kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản nhưng không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện xong khai thác đất nhưng chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường do chưa có quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường của UBND tỉnh; chậm nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do chưa có quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của UBND tỉnh; chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Hoàng Long