1-  Đối với lĩnh vực y tế dự phòng

Những mặt đã làm được

Để triển khai có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao về lĩnh vực y tế dự phòng (YTDP), Viện Pasteur Nha Trang đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, các văn bản hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới về YTDP và xây dựng kế hoạch hoạt động triển khai nhiệm vụ.

Công tác truyền thông các hoạt động về YTDP để phòng, chống dịch bệnh được Viện quan tâm và thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú góp phần tích cực nâng cao nhận thức và ý thức của các nhóm đối tượng về phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác YTDP về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, quản lý sức khỏe cộng đồng.

Có sự phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc triển khai các hoạt động về YTDP.

Tổ chức thực hiện cơ bản đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về YTDP.

Tồn tại, hạn chế

Năm 2019, Khoa An toàn sinh học và quản lý chất lượng chưa thực hiện giám sát, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn sinh học và đảm bảo chất lượng phòng xét nghiệm của Viện.

Chưa thực hiện việc triển khai cập nhập các trường hợp tiêm chủng dịch vụ trên phần mềm tiêm chủng quốc gia. Viện đã phân công nhân viên thực hiện và triển khai cập nhập bắt đầu từ 23/21/2019.

Chưa có kế hoạch đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố an toàn sinh học và xây dựng kế hoạch phòng ngừa xử lý sự cố.

Một số thiết bị xét nghiệm được bảo dưỡng, hiệu chuẩn chưa đáp ứng về thời gian theo quy định.

2-  Về lĩnh vực môi trường y tế

 Những kết quả tích cực

Viện Pasteur Nha Trang đã ban hành được một số văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn cho các tỉnh khu vực miền Trung.

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về môi trường y tế (MTYT) đã được Viện quan tâm thực hiện.

Tích cực tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật về TTDP cho tuyến dưới và đơn vị liên quan.

Công tác phối hợp liên ngành được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với lĩnh vực y tế trường học và giám sát chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt.

Công tác báo cáo, thống kê số liệu về MTYT được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Các hoạt động chuyên môn kỹ thuật cơ bản thực hiện tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác quản lý lĩnh vực tại địa bàn được phân công phụ trách.

Tồn tại, hạn chế

Chưa tổ chức tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về an toàn vệ sinh lao động, chưa tổ chức giám sát, hướng dẫn thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, cho các cơ sở y tế và doanh nghiệp trên phạm vi quản lý.

Chưa công bố cơ sở y tế đủ điều kiện huấn luyện cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động. Viện đã cử cán bộ đi đào tạo chứng chỉ giảng viên theo quy định để hoàn tất thủ tục công bố theo quy định.

Chưa công bố cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn theo quy định tại Nghị định 91/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Viện thực hiện 2 hợp đồng khảo nghiệm hóa chất đối với Công ty MAP PACIFIC Việt Nam và Công ty Thương mại dịch vụ Song Phương. Hiện tại, Viện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Y tế công bố cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm.

3-  Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm

Những mặt tích cực

Viện Pasteur Nha Trang đã triển khai cơ bản đầy đủ các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được giao về lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP).

Tổ chức hướng dẫn cho tuyến dưới về chuyên môn, kỹ thuật trong việc giám sát chủ động mối nguy ô nhiễm thực phẩm và kiểm nghiệm thực phẩm. Hoạt động đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực giám sát, kiểm nghiệm thực phẩm tại Viện cũng như cho cán bộ tuyến cơ sở và hệ thống kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh khu vực miền Trung được Viện quan tâm và chú trọng.

Việc xây dựng và triển khai được mô hình điểm bảo đảm ATTP đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố tại 3 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung giúp nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, ý thức trách nhiệm của người kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, đảm bảo ATTP, hạn chế vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại địa phương.

Tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý tuyến được theo dõi chặt chẽ, tổng hợp đầy đủ, kịp thời.

Có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tuyên truyền về ATTP. Việc kiểm tra, giám sát chủ động mối nguy được xây dựng kế hoạch hoạt động ngay từ đầu năm và thực hiện theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm đã được công nhận theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005 từ năm 2010 và mở rộng chỉ tiêu theo từng năm. Các quy trình (SOP) phục vụ cho hoạt động kiểm nghiệm đã được Viện ban hành, hoạt động kiểm nghiệm về ATTP phục vụ quản lý Nhà nước về ATTP, kiểm tra Nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu và kiểm nghiệm dịch vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu, trả kết quả kịp thời, chính xác; không có sự cố xảy ra, việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện theo quy trình do Viện đã ban hành. Thực hiện việc tiếp nhận mẫu, lưu mẫu, bảo quản mẫu và hủy mẫu lưu theo quy trình, có hệ thống sổ theo dõi, rõ ràng, đầy đủ.

Hệ thống kiểm nghiệm ATTP tại Viện Pasteur được quan tâm, đầu tư trang bị các máy, dụng cụ, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu công tác kiểm nghiệm thực phẩm khu vực. Hoạt động hiệu chuẩn, bảo trì, bảo dưỡng máy, trang thiết bị được thực hiện theo kế hoạch hàng năm.

Một số tồn tại, hạn chế

Việc ban hành văn bản chỉ đạo tuyến về tăng cường công tác giám sát mối nguy; cảnh báo nguy cơ và phòng, chống ngộ độc thực phẩm nhằm đảm bảo ATTP chưa được quan tâm đầy đủ. Trong quá trình kiểm tra, giám sát tại địa phương có hướng dẫn, góp ý tại chỗ song chưa có sự theo dõi, đôn đốc chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị của Viện sau kiểm tra, giám sát.

Việc báo cáo kết quả kiểm nghiệm về Bộ Y tế đối với mẫu giám sát có kết quả không đạt đôi khi chưa hoàn toàn kịp thời.

Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm là đơn vị kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm của khu vực, song chất lượng phép thử được công nhận ISO/IEC 17025:2005 còn hạn chế, đặc biệt là chưa đánh giá được chất lượng đối với nhóm thực phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý.

Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, Viện chỉ có nguồn kinh phí để thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đối với nhóm thực phẩm bao gói sẵn thuộc Bộ Y tế quản lý, song hằng năm kiểm nghiệm đều cho thấy kết quả kiểm nghiệm đạt rất cao. Trong khi đó, các nhóm sản phẩm khác và thức ăn đường phố qua công tác kiểm tra, giám sát của Viện kết quả kiểm nghiệm có tỷ lệ mẫu không đạt cao, nhiều nguy cơ về ATTP tại vùng hơn nhưng không có nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm tra, giám sát, lấy mẫu đối với nhóm sản phẩm này.

Chú trọng hơn nữa công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn chuyên môn 

Trong quá trình thanh tra, đoàn đã trực tiếp hướng dẫn đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế, không có vi phạm phải xử lý. Trên cơ sở kiến nghị của đoàn thanh tra tại biên bản kiểm tra xác minh tại đơn vị, ngày 18/12/2019, Viện Pasteur Nha Trang đã có báo cáo về việc khắc phục những tồn tại theo kiến nghị của đoàn thanh tra.

Từ kết quả thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên kiến nghị Viện Pasteur Nha Trang chú trọng hơn nữa công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về YTDP, MTYT, ATTP cho hệ thống YTDP các tỉnh thuộc địa bàn quản lý. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về YTDP, MTYT, ATTP nhằm nâng cao kiến thức về phòng, chống dịch bệnh; cảnh báo nguy cơ về phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về YTDP, MTYT, ATTP; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của ngành.

Ngoài ra, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cũng kiến nghị Viện Pasteur Nha Trang tổ chức rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế đã nêu; có kế hoạch và thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các chức năng, nhiệm vụ được giao về lĩnh vực YTDP, MTYT, ATTP; báo cáo kết quả khắc phục về Thanh tra Bộ để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Minh Huyền