Người thừa, kẻ thiếu...

Tiến hành thanh tra về việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã chỉ rõ nhiều sai phạm trong công tác quản lý, xét duyệt, thẩm định, ban hành quyết định trợ giúp xã hội trên địa bàn huyện Tứ Kỳ.

Qua xác minh cho thấy, khi có đối tượng chết, thay đổi điều kiện hưởng, UBND cấp xã đã rà soát, báo giảm. Tuy nhiên, Phòng LĐTB&XH huyện thẩm định hồ sơ chưa đảm bảo chặt chẽ, dẫn đến tình trạng đối tượng hưởng trùng, hưởng quá chế độ nhưng chậm được phát hiện, cắt giảm, điều chỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ đã ban hành quyết định thu hồi nhưng số đối tượng và số tiền chưa thu hồi được trên địa bàn còn lớn.

Cụ thể, năm 2016 còn 71 đối tượng hưởng không đúng chế độ phải thu hồi với số tiền hơn 150 triệu đồng; năm 2017 còn 137 đối tượng phải thu hồi với số tiền hơn 515 triệu đồng (44 đối tượng năm 2016 chuyển sang với số tiền gần 129 triệu đồng); năm 2018 còn 96 đối tượng với số tiền chưa thu hồi được là gần 464 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện Tứ Kỳ chưa điều chỉnh chế độ và xác định không đúng thời điểm điều chỉnh, thời điểm hưởng trợ cấp cho 57 đối tượng, dẫn đến việc đối tượng hưởng thiếu số tiền gần 400 triệu đồng.

Chưa điều chỉnh chế độ khuyết tật là trẻ em sang nhóm người khuyết tật cho 8 người đã hết điều kiện hưởng, dẫn đến đối tượng hưởng thừa số tiền hơn 16 triệu đồng. Ngoài ra, còn một số trường hợp ký nhận thay tiền trợ cấp hàng tháng nhưng không phải là người theo giấy ủy quyền...

Cũng theo Thanh tra Bộ LĐTB&XH, hàng loạt xã, thị trấn của huyện Tứ Kỳ như: Tứ Xuyên, Hà Kỳ, Quang Trung, Đại Đồng, thị trấn Tứ Kỳ chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục thực hiện, dẫn đến việc chậm thực hiện đề nghị chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng.

Tại 9 xã, thị trấn có 5 trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến 22 tuổi mồ côi, không có nguồn nuôi dưỡng còn đi học và 8 trường hợp người đơn thân nghèo nuôi con nhỏ chưa được rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin đối tượng để theo dõi, quản lý.

Riêng tại xã An Thanh, 3 hồ sơ xác định mức độ khuyết tật còn bị sửa chữa điểm số, thiếu ngày tháng năm, chữ ký của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật trong phiếu xác định dạng khuyết tật, phiếu đánh giá mức độ khuyết tật; 4 đối tượng phải điều chỉnh việc hưởng trợ cấp nhưng nhưng chưa được UBND xã thực hiện thủ tục đề nghị...

"Bất lực" trong xử lý

Trước những vi phạm trên, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu UBND huyện Tứ Kỳ xử lý dứt điểm việc thu hồi số tiền gần 464 triệu đồng hưởng sai của 96 trường hợp; truy trả gần 400 triệu đồng và thu hồi nộp ngân sách hơn 18 triệu đồng do chi trả quá cho 9 đối tượng.

Đồng thời, tổ chức họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm và xử lý theo thẩm quyền (nếu có).

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm thẳng thắn: Rất là khó, không đơn giản để thu hồi số tiền trên. Nguyên nhân là do nhiều đối tượng đang được hưởng chế độ khác hoặc đã chết.

Đối với số tiền phải truy trả, cơ quan chuyên môn sẽ có trách nhiệm phải làm. Quan điểm là thực hiện theo quy định nhưng không thể dứt điểm được ngay vì phải lục lại hồ sơ, kiểm tra mức độ chính xác và còn phụ thuộc vào địa phương đề xuất. Huyện đã có văn bản gửi cấp trên nhưng cũng chưa nhận được quan điểm chỉ đạo, xử lý.

Ông Sẫm cũng cho biết, việc xử lý cán bộ cũng rất khó, bởi đa phần các cá nhân có liên quan đều đã nghỉ hưu!?

Rõ ràng, sự tắc trách của cán bộ chuyên môn các cấp và lãnh đạo UBND huyện Tứ Kỳ đã để lại nhiều hệ lụy. Nghiêm trọng hơn, nó đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trong việc thực hiện chế độ trợ cấp xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trên thực tế huyện Tứ Kỳ lại đang thể hiện sự thiếu thẳng thắn trong xử lý sai phạm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Trọng Tài