Tỉnh Phú Yên “xé rào” không tuân thủ quy định…

Theo kết luận thanh tra, việc chấp hành quy định của pháp luật đất đai về chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng phòng hộ sang thực hiện các dự án. Tại thời điểm thanh tra, có 2 DA chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang thực hiện DA, gồm: DA hầm đường bộ Đèo Cả chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng trên thực tế nhà đầu tư đã chuyển 37,35 ha rừng đặc dụng; DA Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã được UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 593 về chuyển mục đích sử dụng 42,35 ha rừng trồng (rừng phòng hộ 31,73 ha và rừng sản xuất 10,62 ha). Như vậy, UBND tỉnh Phú Yên chưa chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 178/TTg-KTN ngày 28/1/2013.

Đặc biệt, DA Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam (Công ty TNHH New City Việt Nam làm chủ đầu tư) chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ nhưng đã triển khai thi công là trái quy định.

Tại thời điểm thanh tra, có đến 28 DA chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế với tổng diện tích 171,18 ha, theo quy định tại Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ. 17/37 DA đã chuyển mục đích sử dụng 206,45 ha rừng không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường.

 

Rừng tự nhiên hai tiểu khu 310, 311 huyện Sông Hinh bị phát trắng để lấy đất giao cho nhà đầu tư làm dự án nuôi bò!. Ảnh: PV

 

UBND tỉnh Phú Yên đã tự ý ban hành các văn bản cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với một số DA: DA chăn nuôi Bò thịt chất lượng cao; Khu du lịch sinh thái Sao Việt; Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam và Hầm đường bộ Đèo Cả. Theo đó, tỉnh cho phép vừa lập DA đầu tư vừa hoàn tất thủ tục về thu hồi đất, thu hồi rừng; vừa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, vừa đánh giá tác động môi trường; vừa xây dựng phương án trồng rừng thay thế và vừa khai thác tận dụng gỗ, củi; cho phép chủ đầu tư vừa triển khai xây dựng, vừa hoàn tất các thủ tục đầu tư DA; cho phép thực hiện phân kỳ thu hồi đất rừng phòng hộ với diện tích đất thu hồi từng đợt nhỏ hơn 20 ha (thực chất là chia nhỏ để không phải xin chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định) và cho phép vừa khai thác, vừa lập thủ tục khai thác mỏ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện các DA.

Vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Đối với DA chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, ngày 18/1/2017, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 169 về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhưng đến ngày 5/4/2017, tỉnh Phú Yên mới ban hành Quyết định số 712 về việc phê duyệt Phương án đầu tư trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang thực hiện DA.

Trước đó, 1 ngày (17/1/2017), Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên ban hành Quyết định số 001/QĐ-TNPY về việc phê duyệt DA đầu tư Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (giai đoạn 1). Quy mô DA đầu tư trên tổng diện tích là 392,9747 ha. Địa điểm xây dựng tại Tiểu khu 310 và 311 thuộc BQL rừng phòng hộ Sông Hinh, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Tổng mức đầu tư 626.774 triệu đồng.

Như vậy, việc chuyển mục đích sử dụng rừng là trái quy định tại Điều 29, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006.

 

Tối 31/10/2016, lãnh đạo tỉnh Phú Yên trao Bằng khen cho các tập thể “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thi công dự án”, trong đó có Cty TNHH New City Việt Nam (đứng giữa), đơn vị “chủ lực” làm ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích rừng. Ảnh: PV

 

Trong khi đó, địa điểm thực hiện DA nằm trọn trong Tiểu khu 310 và 311 là khu vực tiếp giáp và trải dài hơn 20 km chạy dọc theo đập chính hồ thủy điện Sông Hinh, “ôm trọn” vành đai bán ngập bảo vệ lòng hồ thủy điện Sông Hinh; hiện trạng rừng tự nhiên và diện tích liền vùng với diện tích rừng phòng hộ lưu vực Sông Hinh (liền vùng với 13 tiểu khu có tổng diện tích rừng là 19.963,3 ha, trong đó rừng tự nhiên là 19.818,7 ha) và rừng trồng (là diện tích rừng trồng thay thế của DA thủy điện sông Ba Hạ), vì vậy khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng hộ trực tiếp cho lòng hồ thủy điện Sông Hinh, nhưng UBND tỉnh Phú Yên chưa thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các DA theo quy định.

Việc thẩm định, phê duyệt DA, nhưng chưa có phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt là chưa tuân thủ Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời vi phạm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, Chỉ thị 13 nêu rõ: “Không chuyển rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các DA phục vụ cho mục đích Quốc phòng, an ninh, hoặc các DA đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định); dừng khai thác gỗ tự nhiên trong phạm vi toàn quốc”.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Chu Gia