Ngày 21/11/2017, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác giải quyết đơn thư kiến nghị tại Trường THPT Ngô Thì Nhậm. 

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của tổ công tác, Sở GD&ĐT Hà Nội kết luận như sau:

Việc thu quỹ Đoàn Thanh niên từ năm học 2011 - 2012 đến năm học 2017 - 2018 đã thu được tổng cộng hơn 403 triệu đồng.

Giáo viên chủ nhiệm thu tiền của cha mẹ học sinh và nộp trực tiếp cho thủ quỹ có xác nhận của Hiệu trưởng trong các bảng kê, cụ thể: Trong 4 năm từ 2011 - 2012 đến năm 2014 - 2015, mức thu là 18.000đồng/HS/năm. Năm học 2015 - 2016 là 30.000đồng/HS/năm. Năm 2016 - 2017 là 50.000đồng/HS/năm và năm học 2017 - 2018 là 100.000đồng/HS/năm.

Theo quy định tại Nghị quyết số 07 ngày 25/11/2010 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về việc thay đổi mức đóng đoàn phí, định mức thu nộp đoàn phí đối với đoàn viên là học sinh, sinh viên là 2.000đồng/tháng và 1 năm là 18.000đồng.

Như vậy, từ năm 2015 - 2016 đến 2017 - 2018, Đoàn trường đã thu vượt quy định của các học sinh với tổng số tiền là hơn 178 triệu đồng.

Đến thời điểm kiểm tra, quỹ Đoàn đã chi với số tiền hơn 241 triệu đồng. Ngoài các khoản chi theo quy định còn một số nội dung chi chưa đúng quy định như: Chi ăn trưa cán bộ, giáo viên, nhân viên hội xuân, chi chụp ảnh hội đồng và các tổ chức nhà trường…

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Tại thời điểm kiểm tra, số tiền phải trả lại cho học sinh nhiều hơn số tiền còn dư tại quỹ (số tiền phải trả là hơn 178 triệu đồng, số dư quỹ chỉ hơn 163 triệu đồng). Hiện nay, một số học sinh đã ra trường và Đoàn trường cần có kinh phí duy trì hoạt động của học kỳ II năm học 2017 - 2018 nên không đặt vấn đề về hoàn trả số tiền trên cho học sinh.

Để xảy ra việc này, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân, Đoàn Thanh niên tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể đã để xảy ra sai phạm và thống nhất phương án thực hiện việc khắc phục các sai phạm nêu trên.

Ngoài ra, một số giáo viên trong trường còn cho biết, theo quy tại Điều 12, Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về quy định dạy thêm trên địa bàn Hà Nội, đối với việc dạy thêm thì tỷ lệ chi thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy là 70%.

Ngày 28/9/2016, nhà trường đã làm 2 biên bản thống nhất việc dạy thêm, học thêm trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh và học sinh. 

Văn bản thứ nhất chỉ có chữ ký của đại diện nhà trường và 5 cán bộ giáo viên hội đồng nhà trường, không có chữ ký của Công đoàn trường, tỷ lệ chi cho giáo viên giảng dạy trực tiếp vẫn là 70%, chủ nhiệm lớp 10%, quản lý 10,5%, hành chính 7% và cơ sở vật chất là 2,5%.

Văn bản khác ban hành cùng ngày với nội dung gần giống, chỉ khác là có chữ ký của đại diện Công đoàn là ông Nguyễn Kiên Cường, của Hiệu trưởng và 3 cán bộ giáo viên, tỷ lệ chi thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm chỉ còn có 58,5%.

Điều này khiến nhiều giáo viên rất bức xúc, vì theo họ, 11,5% đã bị giảm đi nhân với khoảng 1.500 học sinh của 3 cấp học thì tỷ lệ đóng góp vào quỹ nhà trường là một số tiền không hề nhỏ...

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thì Nhậm cho biết: Nội dung thông tin này đã báo cáo với tổ công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội, nếu PV muốn tìm hiểu chi tiết thì liên hệ với Sở GD&ĐT.

Về việc Hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp nhưng vẫn hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp từ năm học 2011 - 2012 đến hết năm học 2016 - 2017, thông báo kết luận nêu rõ, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đã hưởng đủ chế độ phụ cấp đứng lớp từ tháng 9/2011 đến tháng 10/2017, nhưng thực tế mới thực hiện được 152/444 tiết theo quy định, mới chỉ đạt 34,23%.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thành Nam - Nam Dũng