D.A Boxit Tân Rai được phê duyệt triển khai vào năm 2007, đưa vào vận hành tháng 10/2013. Theo kế hoạch D.A sẽ lỗ trong 4 năm đầu hoạt động. Hiện mức lỗ của D.A có tăng so với dự kiến ban đầu. Kết quả thanh tra đưa ra mức lỗ đã lên đến 3.696 tỷ đồng, trong khi dự kiến lỗ là 2.520 tỷ đồng, vượt lỗ lũy kế dự kiến 1.660 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá là 1.176 tỷ đồng. 
Trước những con số khác với tính toán ban đầu, phía lãnh đạo TKV cho rằng: Con số lỗ kế hoạch đưa ra tại thời điểm 2014 chỉ là phương án mang tính tham khảo. Mỗi kế hoạch tính toán về phương án lỗ lãi sẽ dựa trên mặt bằng giá cả đầu vào khác nhau.

Trước đây, theo tính toán D.A, mức giá bán mỗi tấn alumin là 326 USD/tấn cho năm 2014, sau đó dự kiến tăng dần 1,21%/năm, trung bình 30 năm là 350 USD/tấn. Tuy nhiên giá thị trường thế giới có thời điểm 200 USD/tấn.

Cơ chế chính sách cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Nhà máy Boxit Tân Rai và Nhân Cơ là hai D.A thí điểm nên Chính phủ chỉ đạo chưa thu thuế xuất khẩu. Nhưng gần đây, mức thuế này đã điều chỉnh tăng thêm 2%. Đơn giá tính thuế tài nguyên cũng tăng từ 140.000 đồng/tấn lên 170.000 đồng/tấn quặng nguyên khai; các khoản tiền khác như cấp quyền khai thác, phí sử dụng tài liệu địa chất… đều tăng.

Sau 3 năm vận hành, TKV đã có đánh giá lại kết quả công nghệ đầu tư. Cán bộ, công nhân của D.A đã làm chủ được công nghệ, chi phí sản xuất cũng được giảm nhiều. Do vậy, giá thành theo đó giảm theo, cụ thể: Năm 2014, chi phí giá thành 5,1 triệu đồng/tấn; năm 2015 còn 4,6 triệu đồng/tấn; năm 2016 còn 4,1 triệu đồng/tấn. 

TKV nhận định, năm nay sẽ có lãi bởi giá xuất khẩu alumin hiện nay là 350 USD/tấn (tương đương 8 triệu đồng/tấn). Trên thực tế, từ cuối năm 2016, D.A đã bắt đầu cân bằng thu chi. Dự kiến mức lãi 2017 sẽ khoảng 100 tỷ đồng. Các năm sau mức lãi sẽ tăng. Thời gian thu hồi vốn dự tính từ 10 đến 12 năm kể từ khi D.A đi vào sản xuất năm 2013.

Đây là D.A nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học về môi trường, sự lo ngại của nhiều người dân quanh khu vực. Nhưng sau một thời gian vận hành, TKV đã kịp thời điều chỉnh, cải tiến một số tồn tại về công nghệ để giảm thiểu tác động về môi trường. Ở khía cạnh khác, đây là D.A quan trọng nên được các cơ quan Nhà nước có cơ chế giám sát chặt chẽ, liên tục.

Về mặt công nghệ, hiện nhà máy đã vận hành ổn định, do TKV điều chỉnh đầu tư sang công nghệ có hiệu suất cao hơn, các chỉ tiêu tiêu hao và chất lượng sản phẩm được nâng lên tốt hơn. Quan trọng nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng đã được xây dựng đồng bộ, đủ khả năng đáp ứng khi công xuất của mỗi D.A được tăng lên gấp đôi. Do vậy, tính khả thi của D.A vẫn cao.

Thế Lữ