Kết luận thanh tra số 782/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn nhiều khuyết điểm, hạn chế tại tỉnh Bình Định.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản quy định, chỉ đạo, điều hành đối với một số lĩnh vực chưa đầy đủ. Văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, chưa kiên quyết, kịp thời nên việc triển khai thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn sai sót, chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với một số lĩnh vực như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công khai, minh bạch trong chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, thu nhập còn hạn chế, chưa tạo sự chuyển biến và nhận thức pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng như trong nhân dân. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo sai chiếm tỷ lệ lớn.

Trong khi đó, việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm còn để xảy ra thiếu sót, như: Một vài đơn vị chưa coi trọng việc thanh tra trách nhiệm; kế hoạch thanh tra không khả thi nhưng không điều chỉnh đúng theo quy định; không rõ nội dung, đối tượng thanh tra...

Thậm chí, một số cuộc thanh tra được tiến hành chưa đúng trình tự, thủ tục quy định, như: Không có nhật ký đoàn thanh tra hoặc ghi nhật ký đoàn thanh tra không đúng quy định; biên bản xác minh không có chữ ký của trưởng đoàn thanh tra; không có biên bản hoặc thông báo kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị; không có báo cáo kết quả kiểm tra của thành viên đoàn thanh tra, thời gian thanh tra bị kéo dài.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý sau thanh tra chưa chú trọng đến việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm, khuyết điểm để có hình thức kỷ luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra chuyên ngành chưa triệt để (chưa hết vi phạm của đơn vị được thanh tra).

Việc thực hiện các quy định về tiếp công dân cũng chưa đầy đủ: Chậm hình thành bộ phận tiếp công dân; chậm ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng đơn vị chưa đạt yêu cầu theo quy định; một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị thường xuyên uỷ quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ.

Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa kịp thời, thiếu thủ tục xử lý theo quy định, tổng hợp số liệu và quản lý hồ sơ chưa đầy đủ.

Thanh tra Chính phủ xác định, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cấp cơ sở có biểu hiện đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, tỷ lệ tiếp khiếu cao. Theo số liệu thống kê, 44% vụ việc khiếu nại phải giải quyết lần 2. Gần 30% số vụ việc khiếu nại giải quyết lần 2 phải huỷ bỏ kết quả giải quyết lần 1.

Trong thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều sai sót, như: Chậm thụ lý so với quy định hoặc thụ lý không đúng thẩm quyền; không phù hợp với nội dung đơn; sai sót về trình tự, thủ tục, thời hạn trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; chậm kết luận tố cáo, khiếu nại; không thực hiện việc công khai theo quy định; lưu trữ hồ sơ, tài liệu một số vụ việc chưa đúng quy định.

Việc xây dựng, ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm chưa tốt: Một số cơ quan, đơn vị có năm không xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng hoặc có kế hoạch nhưng chưa xác định cụ thể vấn đề trọng tâm, trọng điểm và nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các đơn vị; thiếu kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.

Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng về công tác tổ chức cán bộ, chuyển đổi vị trí việc làm, kê khai tài sản thu nhập, công khai tài chính của các đơn vị dự toán chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra nhiều sai sót, khuyết điểm tại một số cơ quan, đơn vị.

Trước hàng loạt vi phạm, tồn tại nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền được phân cấp. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến các thiếu sót, sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra. Rút kinh nghiệm đối với những sai sót, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra, từ đó xác định hình thức xử lý phù hợp theo quy định pháp luật.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện các quy định pháp luật và thanh tra trách nhiệm đối với việc chấp hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý các tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó cần quan tâm chấn chỉnh ngay việc chấp hành pháp luật về công khai, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập...

Hoàng Long