Không đảm bảo năng lực tài chính

Theo kết luận thanh tra, ngay từ khi triển khai thực hiện dự án (DA), tình trạng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp, sang nhượng đất trái phép của các đối tượng dân di cư tự do, người dân cư trú tại tỉnh Bình Phước tạo ra điểm nóng; phát sinh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (KN,TC) đông người, gây mất ổn định an ninh trật tự ở địa phương.

Kết luận chỉ ra, trong quá trình cho Cty lập DA thuê đất, thuê rừng đã bộc lộ những tồn tại, ở tất cả các giai đoạn từ khảo sát, lập DA, thẩm định DA, đến khi cho thuê đất, rừng và xử lý sau khi thuê đất còn nhiều thiếu sót, từ việc tham mưu UBND cho chủ trương khảo sát, lập DA đầu tư chưa cân nhắc kỹ; quá trình lập, thẩm định DA, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và điều chỉnh diện tích đất thuê khi chưa xử lý triệt để diện tích đất rừng bị lấn chiếm.

Doanh nghiệp không đảm bảo năng lực tài chính và nguồn nhân lực để thực hiện DA với quy mô lớn; không có doanh thu, công nợ phải thu là 10,1 tỷ đồng nhưng không có khả năng thu hồi, chi phí đầu tư thực hiện DA là 6,4 tỷ đồng, nguồn vốn không còn khả năng thanh toán để thực hiện đầu tư vào DA và duy trì hoạt động của Cty.

Cty lập DA không chính xác về quy mô diện tích, năng lực điều hành, năng lực tài chính. Diện tích bị dân lấn chiếm hiện trạng là 539,7ha nhưng thỏa thuận với 37 hộ, diện tích 218,8ha, trong khi chưa thống nhất mức hỗ trợ với người dân vẫn đưa vào lập DA. Cty Long Sơn không có cán bộ kỹ thuật, cán bộ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý điều hành DA.

Mặt khác, vốn điều lệ chỉ có 22 tỷ đồng nhưng trong DA nâng khống nguồn vốn lên 30,2 tỷ đồng, vốn tín dụng chỉ có thư đảm bảo cung cấp tín dụng, thực tế chưa vay và đưa vào DA là 7,5 tỷ đồng. Lập DA với tổng mức đầu tư 155,5 tỷ đồng không đúng thực tế tình hình tài chính Cty.

Khi nhận bàn giao ngoài thực địa có biến động về diện tích rừng, nhưng Cty không điều chỉnh lại mục tiêu khoanh nuôi, quản lý bảo vệ rừng của DA cho phù hợp với tình hình thực tế để tổ chức quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, Cty sử dụng diện tích 231,24ha/ 265,04ha đất rừng bị hủy hoại sai quy hoạch được phê duyệt và sai mục đích sử dụng đất. Xây dựng văn phòng, nhà kho trên diện tích đất không có quy hoạch chuyển đổi mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng.

Khiếu kiện xảy ra gay gắt

Mặt khác, do không đảm bảo nguồn lực tài chính và nhân lực, lực lượng công nhân và bảo vệ của Cty hầu hết là lao động phổ thông với số lượng hạn chế theo thời vụ nên không quản lý được diện tích đất, rừng được Nhà nước cho thuê, để mất với diện tích lớn không xử lý được, dẫn đến phát sinh kiến nghị, KN,TC về đất đai giữa doanh nghiệp và người dân trong thời gian dài, làm mất an ninh, trật tự xã hội.

Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh thu hồi, quản lý đối với diện tích đất bị lấn, chiếm tại 4 DA (trong đó có dự án của Cty Long Sơn), Cty vẫn tự tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện DA sản xuất nông, lâm nghiệp đối với diện tích đã thu hồi, nên dẫn đến xung đột với những người dân khiếu kiện thời gian qua, đỉnh điểm là vụ bắn chết người xảy ra ngày 23/10/2016.

Bên cạnh đó, người dân có hành vi vi phạm pháp luật trên diện tích đất Nhà nước đã cho doanh nghiệp thuê, phá rừng, chiếm đất, sang nhượng đất trái phép, không chấp hành nghiêm túc các biện pháp chế tài mà các cơ quan có thẩm quyền xử lý; có hành vi chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, đặc biệt các đối tượng cầm đầu còn kích động, xúi giục người dân chống đối, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép uy hiếp lực lượng tổ chức cưỡng chế của huyện Tuy Đức; gửi đơn kiến nghị, KN,TC kéo dài, vượt cấp, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Sau khi được UBND tỉnh cho thuê đất, mặc dù Cty tiến hành hỗ trợ thiệt hại về cây cối, hoa màu cho các hộ dân lấn chiếm đất trong vùng DA, nhưng người dân cố tình đòi bồi thường không đúng quy định của pháp luật.

Chuyển hồ sơ khởi tố, điều tra

Những sai phạm trên của Cty là nghiêm trọng, vi phạm quy định tại Điều 37 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Điều 15 Luật Đất đai năm 2003, Điều 12 Luật Đất đai 2014, vi phạm trên trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Văn Thành (giai đoạn từ năm 2007 đến tháng 10/2013), bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (giai đoạn từ 11/2013 đến nay).

Thanh tra tỉnh kiến nghị, Cty có biện pháp tổ chức lại sản xuất, báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước để xem xét việc thực hiện DA tiếp theo; bồi thường thiệt hại đối với phần diện tích rừng tự nhiên đã bị mất sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định giá trị bồi thường.

Phối hợp với các sở, ngành liên quan lập hồ sơ điều chỉnh DA và ký kết hợp đồng thuê đất theo quy định. Triển khai thực hiện DA theo đúng nội dung đã được phê duyệt.

Tăng cường lực lượng quản lý diện tích đất thuê còn lại sau thu hồi, giữ nguyên hiện trạng, tạm dừng tác động đối với diện tích 85,5ha người dân tái chiếm.

Đối với hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, sử dụng đất rừng trồng cao su, tiêu và cây ăn trái sai mục đích trên diện tích đất rừng bị hủy hoại 231,24ha có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định về sử dụng đất đai, Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh để khởi tố, điều tra đối với các cá nhân là người đại diện theo pháp luật của Cty Long Sơn từ năm 2008 đến nay theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Kỳ 2: Các cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm

Bảo Anh