Nội dung công dân tố cáo, năm 2004, Nhà nước thực hiện dự án xây dựng Trường Dạy nghề dân lập Bách nghệ Hà Tây (Trường Bách nghệ Hà Tây) đã thu hồi 360m2 đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phê. Ông Phê không có việc đổi đất cho bà Bùi Thị Điều, nhưng ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng giải quyết chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và giao 36m2 đất dịch vụ cho bà Điều, là không đúng pháp luật. Công dân đề nghị UBND huyện Đan Phượng trả lại số tiền bồi thường, hỗ trợ và 36m2 đất dịch vụ cho gia đình ông Phê.

Theo kết quả xác minh, năm 1999, hộ ông Phê được UBND huyện Đan Phượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nông nghiệp với diện tích 1.080m2, trong đó 360m2 tại xứ đồng Đầu Cầu. Hiện nay, vợ chồng ông Phê và người con tên Thắng đã chết, còn 3 người con ruột và 2 người con dâu.

Hộ bà Bùi Thị Điều được UBND huyện Đan Phượng cấp giấy CNQSDĐ nông nghiệp với diện tích 1.368m2, trong đó 696m2 tai xứ đồng Tĩu.

Năm 2005, hộ ông Phê có 360m2 tại xứ đồng Đầu Cầu bị thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án xây dựng Trường Bách nghệ Hà Tây. Do kinh phí bồi thường, hỗ trợ thấp, đồng thời muốn có đất để canh tác, nên ông Phê đã đổi 360m2 xứ đồng Đầu Cầu lấy 360m2 xứ đồng Tĩu cho bà Điều (diện tích này nằm trong 696m2 của bà Điều). Việc đổi đất giữa ông Phê và bà Điều chỉ bằng miệng, không lập giấy tờ và có sự chứng kiến của bà Công Thị Chanh, Đội phó Đội sản xuất số 5 và UBND xã Tân Lập.

Qua xác minh, làm việc với các con trai, con dâu của ông Nguyễn Văn Phê (gồm ông Tường, bà Quý, bà Tư) cùng bà Công Thị Chanh (nguyên Đội phó Đội sản xuất số 5) và bà Bùi Thị Điều (người đổi đất cho ông Phê), các ông bà trên cho biết, khi UBND huyện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, gia đình ông Phê đã cử bà Bá Thị Quý (là con dâu) đến nhận tiền. Tại bảng kê chi tiết phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Đan Phượng, thể hiện ông Nguyễn Văn Phê được bồi thường, hỗ trợ hơn 26 triệu đồng, phần ký nhận tiền GPMB có chữ ký của bà Quý. Bà Quý xác nhận đúng chữ ký của mình và cho biết bà chỉ ký nhận tiền trên danh sách, còn tiền bồi thường, hỗ trợ thì Hội đồng GPMB huyện trao cho bà Điều.

Như vậy, giữa hộ ông Phê và hộ bà Điều có việc thỏa thuận đổi đất nông nghiệp tại xứ đồng Đầu Cầu và xứ đồng Tĩu cho nhau. Bà Điều nhận tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 26 triệu đồng có sự thống nhất ý kiến của ông Phê và các con, gia đình ông Phê sử dụng diện tích 360m2 của bà Điều tại xứ đồng Tĩu từ năm 2004 đến nay.

Đoàn xác minh chỉ ra việc thiếu trách nhiệm của UBND xã Tân Lập khi biết hộ ông Phê và bà Điều đổi đất cho nhau nhưng chỉ thỏa thuận bằng miệng, trong khi đó UBND xã Tân Lập không hướng dẫn các hộ dân thực hiện trình tự, thủ tục đổi đất nông nghiệp theo quy định, dẫn đến sau này bà Nguyễn Thị Bình (con gái ông Phê) tranh chấp với bà Điều về số tiền bồi thường, hỗ trợ và diện tích 36m2 đất dịch vụ.

Việc UBND huyện Đan Phượng cấp giấy xác nhận ngày 17/6/2009 giao 36m2 đất dịch vụ cho hộ ông Phê, sau đó có quyết định giao 36m2 đất dịch vụ cho bà Bùi Thị Điều, là không đúng quy định.

Việc công dân tố cáo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng phê duyệt cho bà Bùi Thị Điều được hưởng tiêu chuẩn đất dịch vụ 36m2 không đúng quy định, là đúng. Tuy nhiên, ngày 17/5/2018, UBND huyện Đan Phượng có Quyết định số 2165 điều chỉnh một phần Quyết định số 4179 ngày 25/11/2015, trong đó hủy phần phê duyệt cho bà Bùi Thị Điều được hưởng tiêu chuẩn 36m2 đất dịch vụ.

UBND TP Hà Nội giao Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với sai sót nêu tại phần kết luận.

Chỉ đạo UBND xã Tân Lập mời các con của ông Nguyễn Văn Phê và bà Bùi Thị Điều, để tổ chức hòa giải về việc đổi đất và sử dụng số tiền bồi thường, hỗ trợ tại dự án xây dựng Trường Bách nghệ Hà Tây, trường hợp hòa giải không thành thì hướng dẫn các công dân khởi kiện dân sự tại tòa án theo quy định của pháp luật.

Bùi Bình