Phê duyệt quy hoạch cán bộ quản lý sai thẩm quyền

Kết luận chỉ ra, trong việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng để xảy ra một số khuyết điểm, thiếu sót như: Chưa kịp thời tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN trên địa bàn huyện, dẫn đến kết quả tuyên truyền, phổ biến còn hạn chế.

Việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ năm 2016, 2017, Chủ tịch UBND huyện chưa kịp thời giới thiệu để HĐND huyện bầu bổ sung ủy viên UBND, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện, hiện nay vẫn thiếu 2 ủy viên HĐND, là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Mặt khác, UBND huyện đồng ý cho các phòng chuyên môn ký hợp đồng 9 trường hợp làm công việc chuyên môn, không thông báo công khai tuyển dụng công chức cấp xã năm 2016, là chưa thực hiện đúng quy định; không rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Bên cạnh đó, ngày 2/10/2017, UBND huyện mới ban hành quyết định quy hoạch cán bộ quản lý các trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non trực thuộc UBND huyện quản lý giai đoạn 2017-2020, là chưa thực hiện đúng quy định. Đồng thời, UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch cán bộ quản lý của các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non là sai thẩm quyền được quy định tại Khoản 17, Điều 13 Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của người quản lý doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

UBND huyện chưa triển khai xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020-2025 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Trường Dân tộc nội trú, các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non trực thuộc là chưa thực hiện đúng quy định của Tỉnh ủy.

Đặc biệt, UBND huyện đề nghị Huyện ủy ban hành Thông báo số 339-TB/HU ngày 19/9/2017 về việc phê duyệt quy hoạch ông Trần Văn Nam là lao động hợp đồng giữ các chức vụ Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp, là không thực hiện đúng quy định của UBND tỉnh.

Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 67 trường hợp sai quy định

Năm 2016-2017, UBND huyện thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 67 trường hợp sai quy định. Trong đó, có 51 trường hợp thiếu một số điều kiện, tiêu chuẩn chức vụ bổ nhiệm theo Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Mặt khác, khi thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn này, có 29 trường hợp UBND huyện không xin ý kiến của Sở Nội vụ. Đến thời điểm thanh tra còn 38 trường hợp được bổ nhiệm năm 2016-2017 chưa đạt chuẩn và các điều kiện, tiêu chuẩn của chức vụ theo quy định; 7 trường hợp chưa có trình độ đại học, nhưng được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cấp trưởng, phó các đơn vị trực thuộc UBND huyện.

Bên cạnh đó, năm 2016-2017, UBND huyện chậm ban hành quyết định bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ cho 20 trường hợp từ 2 đến 6 tháng.

Chủ tịch UBND huyện phân công bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch phụ trách, chỉ đạo, trong đó có công trình sửa chữa, nâng cấp Trạm Y tế xã Tà Hine do bà Thúy ký phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết toán công trình. Tuy nhiên, chồng bà Thúy lại là Giám đốc Công ty TNHH Triệu Khánh ký hợp đồng thi công công trình, là không thực hiện đúng quy định tại Khoản 3 và 4, Điều 37 Luật PCTN, gây dư luận không tốt.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện chưa khách quan trong việc bình xét thi đua, khen thưởng năm 2017 nên để phát sinh dư luận không tốt trong cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương.

Thanh quyết toán sai quy định hơn 5 tỷ đồng

Kiểm tra 6 công trình, dự án về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phát hiện 7,6 tỷ đồng sai phạm. Cụ thể: tại công trình duy trì và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ tuyến đường cao tốc Liên Khương - Prenn, chủ đầu tư không báo cáo kịp thời những bất hợp lý đối với định mức tưới nước theo các định mức được công bố để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng, công bố định mức cho phù hợp, nên để xảy ra các sai phạm với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình xây dựng hệ thống thoát nước thải từ chợ đầu mối ra Quốc lộ 20 chưa đúng với chủ trương của UBND tỉnh và sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, đã quyết toán vốn đầu tư tương ứng số tiền 3,9 tỷ đồng.

Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, tạm ứng, giám sát và nghiệm thu, thanh quyết toán công trình... còn hạn chế như: Tính sai, tính trùng khối lượng, áp dụng định mức, giá vật liệu và cự ly vận chuyển sai quy định; số liệu giữa dự toán và bản vẽ không trùng khớp; chưa thực hiện đúng chủ trương của UBND tỉnh; không điều chỉnh giá nhân công trước khi đấu thầu theo quy định. Một số hạng mục không tiến hành nghiệm thu, đo đạc thực tế tại hiện trường mà chỉ căn cứ trên hồ sơ dự toán để tiến hành nghiệm thu, là chưa thực hiện đúng quy định... dẫn đến nghiệm thu, thanh quyết toán sai quy định số tiền 5 tỷ đồng.

Chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh công tác giải phóng mặt bằng đã tiến hành tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu, thương thảo hợp đồng thi công xây dựng công trình, sau khi ký hợp đồng thi công mới tiến hành giải phóng mặt bằng thi công tại 4/6 công trình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các gói thầu thi công chậm tiến độ so với hợp đồng ban đầu đã ký kết với chủ đầu tư từ 13 tháng đến 49 tháng; chưa kịp thời thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3,5 tỷ đồng; kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND huyện Đức Trọng kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là việc thực hiện tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, kỷ luật, thi đua, khen thưởng.

Kiện toàn ủy viên ủy ban nhiệm kỳ 2016-2021, đảm bảo quyền, nghĩa vụ để các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện hoạt động có hiệu quả...

Bảo Anh