Thanh, quyết toán vượt so với khối lượng thực tế trên 18,4 tỷ đồng

Kết luận thanh tra chỉ ra, việc quản lý và sử dụng chi phí quản lý dự án và việc chấp hành Luật Kế toán, các chế độ, chính sách quản lý kinh tế, quản lý tài chính tại các đơn vị vẫn còn một số khoản chi chưa phù hợp, chứng từ thanh toán không hợp lý, hợp lệ, một số khoản chi sai chế độ quy định; chưa thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước theo quy định từ nguồn thu bán hồ sơ mời thầu; chưa thực hiện kê khai và nộp tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường từ việc bán cát tận thu.

Về công tác quản lý đầu tư XDCB, vẫn còn một số công trình thi công chưa đúng thiết kế được duyệt tại một số hạng mục công việc; công tác giám sát kỹ thuật thi công chưa chặt chẽ là kẻ hở để đơn vị thi công thi công chưa đúng thiết kế được duyệt tại một số công trình.

Công tác nghiệm thu, xác nhận khối lượng XDCB hoàn thành và lập khối lượng thanh toán, quyết toán tại 2/7 công trình được thanh tra vẫn còn nhiều thiếu sót dẫn đến đơn vị thi công thanh quyết toán, lập khối lượng XDCB hoàn thành vượt so với khối lượng thực tế thi công. Cụ thể:

Tại 2 Công trình phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ (Công trình Phòng chống lụt bão ) do Công ty Cổ phần (CP) Tập đoàn ThaiGroup thi công, 2 công trình này thi công dở dang, UBND tỉnh cho dừng thực hiện công trình để bàn giao, quyết toán dự án, đã xác nhận khối lượng hoàn thành, chưa lập hồ sơ quyết toán A-B

Công trình phòng chống lụt bão huyện Núi Thành, lý trình Km0+0-Km4+900, địa điểm TP Tam Kỳ nghiệm thu thanh toán các đợt, xác nhận khối lượng XDCB hoàn thành không đúng và vượt so với thực tế thi công với tổng số tiền 467 triệu đồng.

Công trình Phòng chống lụt bão TP Tam Kỳ, lý trình KmO+0-Km 12+806,61, địa điểm huyện Thăng Bình và TP Tam Kỳ tính vượt, tính trùng khối lượng XDCB hoàn thành ở nhiều thành phần công việc so với khối lượng thực tế thi công như: bê tông mỏng, đệm dá dăm tại mối nối tuynel; đào, đắp cát cổng dọc, tuynel... và áp dụng đơn giá thanh toán cấp phối đá dăm nền đường sai với tổng số tiền 17,5 tỷ đồng.

Mặt khác, tại 2 hạng mục thi công rà phá bom mìn, vật nổ (thuộc Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư Bình Minh, huyện Thăng Bình và Dự án Phòng chống lụt bão huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành) cho thấy, hạng mục thi công rà phá bom mìn, vật nổ thuộc Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư Bình Minh do Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào thi công có số công thực tế thi công rà phá bom mìn tính theo nhật ký thi công nhỏ hơn so với số công tính theo khối lượng nghiệm thu thanh toán, tống số tiền thanh quyết toán vượt 156,5 triệu đồng.

Hạng mục thi công rà phá bom mìn, vật nổ thuộc Dự án Phòng chống lụt bão huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ do Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Vạn Tường thi công thực tế thành phần công việc đào đất xử lý tín hiệu trên cạn tại hiện trường là đất cấp 1, tuy nhiên các bên đã nghiệm thu thanh toán là đất cấp 2, dẫn đến khối lượng nghiệm thu thanh toán vượt số tiền 261 triệu đồng.

Điều chỉnh kết cấu dẫn đến phát sinh chi phí trên 40 tỷ đồng

Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra, công tác quản lý đầu tư xây dựng (ĐTXD) các dự án công trình vẫn còn nhiều sai phạm lớn về chất lượng công trình, về khối lượng nghiệm thu, khối lượng thanh toán, công trình chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng...

Đối với Công trình Phòng chống lụt bão huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ, Ban KTM Chu Lai đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh kết cấu nền đường đào, cho phép đào thêm 50cm lớp cắt tự nhiên để thay bằng lớp đất K95 dày 50cm vào dưới lớp đất K98 dày 50cm khi không có hồ sơ luận chứng kinh tế kỹ thuật, mặc dù kết cấu này đã được Sở Giao thông vận tải Quảng Nam khuyến cáo là làm tăng kinh phí dự án.

Mặt khác, kết cấu nền đường của 2 công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2847/QĐ và Quyết định số 2911/QĐ-UBND, theo đó, UBND tỉnh cho phép điều chỉnh kết cấu nền đường thay đổi lớp đất không thích hợp bằng lớp đất K95 dưới lớp đất K98 trong phạm vi các đoạn có nên đường đào, nhưng chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã cố tình bóc hết 50cm toàn tuyến dường dẫn đến phát sinh chi phí cho công việc đào, vận chuyển cát đi đổ, vận chuyển đất về đắp số tiền trên 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, hạng mục đường công vụ thuộc Dự án công trình phòng chống lụt bão TP Tam Kỳ thiết kế, phê duyệt dự toán thiết kế đắp đất nền đường lớp K95 và K98 (50cm) là quá lãng phí, bởi đây là đường công vụ nhằm phục vụ chuyên chở vật tư, thiết bị để thi công công trình của tuyến đường chính chỉ cần lu lèn K90 là đủ.

Chậm đưa vào sử dụng, làm phát sinh chi phí đầu tư do bù giá

Về hiệu quả đầu tư dự án, công trình, Thanh tra tỉnh chỉ ra, mặc dù được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép gia hạn tiến độ hoàn thành dự án 5 lần nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành, chậm đưa vào sử dụng, làm phát sinh chi phí đầu tư do bù giá; một số hạng mục đầu tư chưa thật sự cần thiết dẫn đến phát sinh tăng lớn chi phí trong đầu tư, ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn vốn để đầu tư hoàn thành công trình và thực tiễn đã không phát huy tác dụng như: hệ thống tuynel dọc; mặt khác việc đầu tư không hoàn chỉnh và đồng bộ dẫn đến các hạng mục của công trình không phát huy hiệu quả cũng như tính thẩm mỹ.

Riêng đối với việc đầu tư hạng mục đường công vụ thuộc Dự án Phòng chống lụt bão TP Tam Kỳ nhằm sử dụng phục vụ chuyên chở vật tư, máy móc đế thi công các hạng mục của tuyển đường chính thuộc Dự án, qua thanh tra cho thấy việc đầu tư xây dựng là không cần thiết và gây lãng phí ngân sách Nhà nước, hiện nay công trình thi công dở dang, đã dừng thi công và bỏ hoang…

Thanh tra việc tận thu cát thừa tại Dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn huyện Thăng Bình, huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ, Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của BQL KTM Chu Lai.

Bài 2: Chuyển hồ sơ vụ việc đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Thái Hải