Xây dựng tổ chức cơ quan thanh tra theo hướng tập trung

Pháp luật về thanh tra là hệ thống các quy định trong các văn bản quy phạm điều chỉnh tổ chức và hoạt động thanh tra cũng như những lĩnh vực công tác thuộc chức năng của cơ quan thanh tra. Điều 5 Luật Thanh tra năm 2010 quy định cơ quan thanh tra Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN); tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN theo quy định của pháp luật .

Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc xây dựng tổ chức cơ quan thanh tra trong Luật Thanh tra mới sẽ theo hướng tập trung gồm hai cấp, Thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh theo tinh thần của Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra. Tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức thanh tra với việc đưa ra các quy định về quản lý các chức danh, nhất là các chức danh lãnh đạo cơ quan thanh tra Nhà nước để không có tình trạng những người chưa từng làm thanh tra được đưa về lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra và ngược lại.

Thanh tra sở cũng chỉ tổ chức ở một số nơi và trong một số lĩnh vực cần thiết, tránh tình trạng không ít thanh tra sở chỉ “loe hoe” 1 - 2 người cho có. Lĩnh vực nào không có thanh tra sở thì thanh tra tỉnh đảm nhiệm luôn chức năng thanh tra chuyên ngành. Thanh tra tỉnh sẽ được tổ chức thành các đơn vị để phụ trách địa bàn.

Những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đang công tác tại thanh tra huyện sẽ đưa về thanh tra tỉnh, số còn lại kết hợp với ban tiếp công dân của huyện thành đơn vị giúp Chủ tịch UBND huyện thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo của huyện thanh tra một số bộ ngành tùy quy mô và tính chất mà tổ chức cho phù hợp, một số tổng cục, cục thuộc bộ sẽ có tổ chức thanh tra Nhà nước nếu cần thiết và chủ yếu thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

“Về cơ bản thì các cơ quan thanh tra Nhà nước vừa thực hiện thanh tra chức năng thanh tra hành chính (thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ quyền hạn, chương trình, kế hoạch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp) và thanh tra chuyên ngành (thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp)” - ông Minh cho hay.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh chủ yếu thực hiện thanh tra hành chính; thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, thanh tra sở chủ yếu thực hiện thanh tra chuyên ngành... Một số lĩnh vực đặc biệt có thể có tổ chức thanh tra Nhà nước theo quy định của pháp luật chuyên ngành (bảo hiểm xã hội, quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp).

Ngoài ra, luật sẽ có quy định để làm cơ sở thành lập một số cơ quan thanh tra theo tinh thần của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và có thể tại một số cơ quan thanh tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước tùy theo quy mô và tính chất khác nhau...

Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra trách nhiệm quản lý của các bộ ngành, địa phương

Về chức năng, nhiệm vụ, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý của các bộ ngành, địa phương; quyết định tiến hành thanh tra khi phát hiện có vi phạm; thực hiện các cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, những vụ việc được xã hội đặc biệt quan tâm và/hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng; thanh tra lại những vụ việc mà các bộ ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Thanh tra Nhà nước ở tỉnh sẽ thực hiện các cuộc thanh tra trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ và đề nghị của Chủ tịch UBND cùng cấp xuất phát từ yêu cầu của công tác quản lý trên địa bàn.

Đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; giúp Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu các ngành các cấp xem xét, giải quyết lại các vụ việc đã được giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Đối với công tác PCTN: Cơ quan thanh tra giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác PCTN; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Việc phát hiện và xử lý tham nhũng chủ yếu được thực hiện qua công tác thanh tra và giải quyết tố cáo đối với vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; trong việc sử dụng và quản lý vốn và tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước...

Đặc biệt là các cơ quan thanh tra thực hiện thật tốt nhiệm vụ của mình trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo tinh thần mới của Luật PCTN 2018. Trong đó, cơ quan thanh tra trở thành cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập bán chuyên trách với rất nhiều trách nhiệm phải thực hiện trong công tác này.

Hoạt động thanh tra chỉ thực hiện bởi cơ quan thanh tra

Đối với hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra sửa đổi theo hướng chỉ được thực hiện bởi cơ quan thanh tra Nhà nước do đoàn thanh tra tiến hành trên cơ sở quyết định thanh tra.

Hoạt động thanh tra sẽ được luật quy định từ giai đoạn chuẩn bị cuộc thanh tra (khảo sát trước khi ra quyết định thanh tra, việc thành lập đoàn thanh tra) đến khi kết thúc cuộc thanh tra. Các quy định xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán trong các giai đoạn xây dựng kế hoạch thanh tra, quá trình khảo sát ban hành quyết định thanh tra, trong quá trình tiến hành thanh tra... Quy định về thẩm định kết luận thanh tra và giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra.

“Đặc biệt là sẽ nghiên cứu để có quy định rõ về mối quan hệ giữa người ra quyết định thanh tra và trưởng đoàn thanh tra trong giai đoạn báo cáo kết quả và dự thảo kết luận thanh tra và giữa thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp để vừa bảo đảm tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động thanh tra” - ông Minh cho biết.

Về thanh tra chuyên ngành và sự phân định giữa thanh tra và kiểm toán, Thanh tra Chính phủ cho hay, sự phân định thẩm quyền thanh tra giữa các cấp cũng không rõ ràng dẫn đến cùng một nội dung có thể xảy ra thanh tra trùng lặp, gây khó khăn phiền hà cho đối tượng thanh tra, nhất là cho hoạt động sản xuát kinh doanh các doanh nghiệp, đang là mối quan tâm lo lắng của Chính phủ.

Do đó, trong luật mới sẽ bỏ việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan quản lý. Trên thực tế thì dù có giao hay không thì cũng hầu như không ảnh hưởng đến hoạt động này với tư cách là hoạt động kiểm tra thường xuyên và xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Chẳng hạn như lực lượng quản lý thị trường, kiểm lâm, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm... Chức năng thanh tra chuyên ngành chủ yếu do thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, thanh tra sở đảm nhiệm.

Ở các cơ quan thanh tra này thì cũng phân biệt thật rõ ràng giữa hoạt động kiểm tra thường xuyên và hoạt động thanh tra (mô hình này hiện nay đang được thực hiện tốt tại tổng cục thuế)...

Ông Minh cũng cho biết thêm, tổ chức và hoạt động thanh tra của từng bộ, ngành sẽ do bộ trưởng thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ ban hành. Thanh tra nhân dân thực chất là hoạt động giám sát của nhân dân ở địa phương, cơ sở nên sẽ không được điều chỉnh trong Luật Thanh tra lần này…

Thái Hải