Chủ động nắm bắt tình hình, nhanh chóng thích ứng và triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác

 Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - TTCP, thực hiện chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước, gắn với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, từ đầu năm 2021, TTCP đã triển khai công tác đối ngoại theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và kế hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Tuy nhiên, tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đã tác động không nhỏ đến hoạt động đối ngoại của TTCP. 

Hợp tác đa phương trong khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu đều chuyển sang thực hiện theo phương thức trực tuyến. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của việc triển khai các hoạt động cụ thể, đặc biệt là các hoạt động cần có sự trao đổi, thảo luận và thông qua dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa các đối tác.

Bên cạnh đó, hợp tác song phương tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động theo kế hoạch đề ra, do cả ta và các đối tác đều phải tập trung nỗ lực và nguồn lực vào công tác phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, TTCP đã chủ động theo dõi, nắm bắt và cập nhật tình hình của các đối tác, đề ra và tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác nhằm vừa tiếp tục khẳng định là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, vừa duy trì trao đổi thông tin kịp thời và có những hình thức hợp tác thực chất với các đối tác song phương, trên cơ sở phù hợp với các chỉ đạo về công tác đối ngoại trong tình hình hiện nay của Trung ương Đảng, Chính phủ theo tinh thần tập trung mọi nguồn lực chống dịch Covid-19, đảm bảo công tác đối ngoại trong trạng thái bình thường mới và thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. 

Một số kết quả tích cực

Công tác đối ngoại của TTCP trong thời gian qua, tuy gặp rất nhiều khó khăn xuất phát từ đại dịch Covid-19, song vẫn đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Cơ quan TTCP và ngành Thanh tra, đồng thời tăng cường vai trò, vị thế đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong tặng Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park No Wan bức tranh Khuê Văn Các, ngày 15/7/2021. Ảnh: PH 

 

Trong lĩnh vực hợp tác đa phương, kết quả nổi bật là TTCP đã chủ trì và phối hợp với cơ quan có liên quan triển khai có hiệu quả các hoạt động thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Trong đó, báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá việc thực thi UNCAC của Việt Nam trong chu trình 2 đã được hoàn tất, chuẩn bị kết thúc quá trình đánh giá đối với Việt Nam trong chu trình này. Về nghĩa vụ đi đánh giá, các chuyên gia của TTCP và các bộ, ngành đã hoàn thiện báo cáo đánh giá sơ bộ đối với việc thực thi UNCAC của Cộng hòa Áo.

Bên cạnh đó, TTCP cũng đã tham gia các phiên tham vấn không chính thức trực tuyến về Tuyên bố Chính trị về chống tham nhũng và phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNGASS 2021). Tham dự các cuộc họp trực tuyến trong khuôn khổ Nhóm Đánh giá thực thi UNCAC và Nhóm Công tác về phòng ngừa tham nhũng…

Là Chủ tịch ASEAN-PAC năm 2021, TTCP đã tích cực tiến hành các hoạt động thực hiện Thỏa thuận Hợp tác đa phương về phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á (ASEAN-PAC). Đáng chú ý, TTCP đã đại diện cho ASEAN-PAC tham dự trực tuyến một số cuộc họp liên quan của ASEAN (Hội nghị Điều phối Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần thứ 13; cuộc họp thường kỳ của ASEAN với các thực thể liên kết). Hiện nay, TTCP đang tích cực chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức cuộc họp Ban Thư ký ASEAN-PAC 17 và hội thảo bên lề cuộc họp.

Trong khuôn khổ Nhóm Công tác về chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC (ACTWG), TTCP đã phối hợp với đầu mối của một số bộ, ngành tham dự trực tuyến các cuộc họp SOM 1 và SOM 3, do chủ nhà năm APEC 2021 New Zealand chủ trì; tham gia góp ý kiến với việc sửa đổi điều khoản tham chiếu của ACTWG và ACT-NET… 

Ngoài ra, TTCP đã tổ chức đoàn đại biểu cấp cao do Tổng TTCP làm trưởng đoàn, trên cơ sở ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tham dự Diễn đàn Trực tuyến toàn cầu về chống tham nhũng và liêm chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào tháng 3/2021, tham dự 4 phiên của Hội thảo Trực tuyến về kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Hồng Công (Trung Quốc) trong khuôn khổ Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ACI).

Trong lĩnh vực hợp tác song phương, các hoạt động hợp tác chủ yếu được triển khai qua phương thức trực tuyến, tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức. Nổi bật trong đó, đã tổ chức thành công hội thảo tập huấn trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của Pháp về liêm chính và kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ (ngày 17/3/2021), với sự tham gia của các đối tượng là thanh tra viên cao cấp của một số bộ, ngành, địa phương. 

Bên cạnh đó, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), TTCP đã phối hợp với đối tác Hàn Quốc để thống nhất phương thức tổ chức và xây dựng nội dung cho các khóa đào tạo nghiệp vụ dành cho cán bộ thanh tra, giai đoạn từ năm 2021-2023. 

leftcenterrightdel
Hội thảo đào tạo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về liêm chính và kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, tháng 3/2021. Ảnh: HTQT 

 

Thảo luận với các đối tác song phương và đa phương nhằm tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho các hoạt động hợp tác tăng cường năng lực cho TTCP, đặc biệt là năng lực đào tạo, bồi dưỡng thông qua mạng lưới các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm, xây dựng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng hoặc xây dựng các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho Trường Cán bộ Thanh tra, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, với những chủ đề mới như xây dựng liêm chính kinh doanh hoặc phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước… Qua đó, góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế bền vững, thực chất và đi vào chiều sâu.

Phương thức ngoại giao trực tuyến tiếp tục là xu hướng chủ đạo 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - TTCP cho biết, những tháng cuối năm 2021, việc triển khai các hoạt động đối ngoại tiếp tục hướng tới tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa TTCP với các đối tác song phương và đa phương. Đồng thời, thúc đẩy trao đổi, cung cấp thông tin tích cực cho thế giới về tiến triển trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Việt Nam; tiếp tục thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam; tìm kiếm và khai thác các phương thức hợp tác hiệu quả, đặc biệt là thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt và đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức của TTCP. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được dự báo là còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, việc sử dụng các phương thức ngoại giao trực tuyến vẫn được xác định là xu hướng chủ đạo.

Vì vậy, về hợp tác đa phương, TTCP tích cực triển khai các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN-PAC với vai trò chủ tịch luân phiên, ACTWG; đồng thời, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCAC.

Về hợp tác song phương, TTCP tập trung vào các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm, thực tiễn tốt với các đối tác song phương trên các lĩnh vực công tác, bao gồm: Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Ngọc Anh