Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Trâm ngày 21/1 đã ký ban hành định hướng chương trình công tác thanh tra năm 2022, nêu rõ: Thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, Viện trưởng Viện KSND các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 để tổ chức thực hiện nghiêm những nội dung chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021.

Theo đó, yêu cầu công tác thanh tra phải thực chất, hiệu quả; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành; giữ gìn uy tín, hình ảnh của ngành, của cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên; kiên quyết xử lý, đấu tranh với những vi phạm và biểu hiện tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan, đơn vị và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thông qua công tác thanh tra để chủ động công tác phòng ngừa; chú trọng thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; lấy chất lượng cuộc thanh tra làm trọng, không xem số lượng các cuộc thanh tra là thành tích.

Lãnh đạo, người đứng đầu các cấp Kiểm sát chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm.

1. Công tác thanh tra theo kế hoạch

Chủ động lựa chọn những đơn vị có kết quả công tác chưa đạt, còn xảy ra hạn chế, thiếu sót (trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đơn vị; trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp) hoặc nội bộ đơn vị có dấu hiệu mất đoàn kết để tiến hành thanh tra.

Việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch yêu cầu luân phiên, bảo đảm các đơn vị trực thuộc đều được tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Chỉ tiêu: Thực hiện từ 02 cuộc thanh tra trở lên.

2. Công tác thanh tra đột xuất

Tăng cường thanh tra đột xuất trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống.

Tăng cường thanh tra đối với đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài; có dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo, kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động để xảy ra vi phạm; đặc biệt xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

3. Công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ

Duy trì thường xuyên kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TTr ngày 31/3/2014 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Trong đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện văn hóa công sở, việc chấp hành chế độ trực nghiệp vụ, việc sử dụng trang phục ngành, việc chấp hành thời gian làm việc; đặc biệt là việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19.

Chỉ tiêu: Hằng tháng tổng hợp ban hành thông báo kết quả kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ và việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 để rút kinh nghiệm chung trong các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

4. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Kịp thời giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, nhất là các khiếu nại, tố cáo do cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chuyển đến; vụ việc dư luận, báo chí phản ánh, lãnh đạo Viện KSND Tối cao chỉ đạo.

Đối với đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng có nội dung phản ánh về người, vụ việc cụ thể thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo VKSND cấp mình cho tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm.

Thực hiện tốt công tác đối thoại giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại, tránh để đơn thư khiếu nại vượt cấp. Xử lý nghiêm người có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, vụ lợi khi giải quyết công việc đối với người khiếu nại, tố cáo và người có liên quan.

Chỉ tiêu: Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt từ 90% trở lên.

5. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tập trung tham mưu quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham nhũng.

Chỉ tiêu: Thực hiện từ 01 cuộc kiểm tra trở lên.

6. Công tác theo dõi, kiểm tra sau thanh tra

Thanh tra Viện KSND các cấp phải tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại do cấp mình ban hành hoặc do cấp trên chuyển đến; đảm bảo các kết luận, quyết định được thực hiện nghiêm, đúng quy định.

Chỉ tiêu: Thực hiện từ 01 cuộc kiểm tra trở lên.

7. Tổ chức thực hiện

Thanh tra Viện KSND các cấp tham mưu Viện trưởng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của VKSND cấp mình và chương trình công tác của đơn vị, gửi về Viện KSND Tối cao (qua Thanh tra Viện KSND Tối cao trước ngày 10/02/2022) để tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, địa phương trao đổi với Thanh tra Viện KSND Tối cao để phối hợp giải quyết./.

Thanh Lương