Thành lập 10 đoàn kiểm tra ngẫu nhiên tại 20 sở GDĐT

Theo thống kê, cả nước có 1.014.972 thí sinh đăng ký, trong đó có 41.944 thí sinh tự do (chiếm 4,13%); 222.356  thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT (chiếm 21,91%); 33.779 thí sinh chỉ xét tuyển sinh (chiếm 3,33%); 758.837 thí sinh xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh (chiếm 74,76%); 343.564 tổng số bài thi khoa học tự nhiên (chiếm 33,85%); 541.777 tổng số bài thi khoa học xã hội (chiếm 53,38%). Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 3.508.718 thí sinh.

Số cán bộ, giảng viên dự kiến cần huy động tham gia công tác trong kỳ thi này hơn 8.000 người, đến từ 200 cơ sở giáo dục đại học cả nước.

Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, để bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp được diễn ra an toàn, đúng quy định, Bộ GDĐT sẽ chuẩn bị lực lượng, các điều kiện cần thiết để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất ở tất cả khâu của kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng xử lý tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh, khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm trong công tác tổ chức kỳ thi…

Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND cấp tỉnh, trực tiếp là chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT và Thanh tra Chính phủ, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế.

Chỉ thị phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GDĐT, UBND cấp tỉnh, sở GDĐT và cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động thanh tra/kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng: Rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, rõ mục tiêu, phương pháp và rõ trách nhiệm. Thanh tra, kiểm tra các khâu của công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, đúng pháp luật.

Bộ GDĐT sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra ngẫu nhiên tại 20 sở GDĐT, không trùng lặp với các đoàn của BCĐ thi cấp quốc gia. Sẽ có 5 đoàn do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên BCĐ kiểm tra tại địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi.

Năm nay, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử cán bộ công chức tham gia BCĐ thi cấp quốc gia. Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử người tham gia BCĐ cấp tỉnh và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.

Và điểm mới của khâu thanh tra năm nay là có 2 cán bộ Thanh tra Chính phủ tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT (gấp đôi so với năm ngoái). Trong đó, 1 người tham gia BCĐ thi quốc gia và 1 người tham gia Ban Thư ký. Bộ GDĐT sẽ tổ chức thanh tra đột xuất tất cả các địa phương, những vùng, những khâu có vấn đề.

Tại 63 tỉnh, thành, Bộ GDĐT yêu cầu thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi. Trong đó, trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Mỗi đoàn có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học tham gia.

leftcenterrightdel
 Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Đức Cường. Ảnh: Phương Hiếu

Mỗi điểm thi có một tổ kiểm tra, mỗi tổ từ hai người trở lên tùy theo số phòng thi tại điểm thi. Mỗi sở GDĐT thành lập một đoàn kiểm tra. Mỗi đoàn có 3 hoặc 4 người, kiểm tra trực tiếp tại một sở GDĐT trong suốt thời gian chấm thi…

Trong kiểm tra công tác chấm thi, thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GDĐT. Mỗi đoàn có từ 3 - 4 người, kiểm tra trực tiếp tại 1 sở GDĐT trong suốt thời gian chấm thi; thành lập 5 đoàn kiểm tra lưu động công tác phúc khảo tại một số sở GDĐT.

Thanh tra chuẩn bị lực lượng, các điều kiện cần thiết để thành lập các đoàn thanh tra/kiểm tra đột xuất ở tất cả khâu của kỳ thi; dự phòng cả tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh; khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm trong việc tổ chức kỳ thi hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Không để xảy ra khoảng trống, điểm mờ trong kiểm tra, thanh tra thi

Với diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, Bộ đã chuẩn bị đầy đủ các phương án, kịch bản tổ chức thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2021 được dự liệu và bám sát chỉ đạo của BCĐ thi cấp quốc gia trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có tình huống bất thường. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để huy động lực lượng là cán bộ, giảng viên và học viên của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành sức khỏe, các nhà trường trong lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ.

Những người được điều động cho công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021 phải được kiểm tra và đạt yêu cầu, đảm bảo nắm vững nghiệp vụ công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT.

Cũng theo Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường, năm 2021, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được giao cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng ở các khâu từ tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Với ngành Giáo dục, cần quán triệt việc tổ chức kỳ thi phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan tránh tiêu cực. Các cấp, cơ quan, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi phải quán triệt ngay từ khi chuẩn bị, đến khâu coi thi, chấm thi. Khâu nào cũng phải thực hiện nghiêm túc, an toàn, rõ trách nhiệm.

Sai phạm sẽ phải xử lý, không để xảy ra khoảng trống, điểm mờ trong kiểm tra, thanh tra thi. Tất cả hội đồng thi tại các địa phương đều cần được quán triệt đầy đủ điều này và phân công làm rõ trách nhiệm ngay từ đầu.

Để công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt kết quả tốt, trước đó, ngày 20/5, Thanh tra Chính phủ đã có Công văn số 805/CV-TTCP-V.III về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó yêu cầu thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với sở GDĐT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra/kiểm tra kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng.

Bộ GDĐT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đề cập cụ thể về nội dung và cách thức thanh tra/kiểm tra; thẩm quyền, tổ chức và hoạt động thanh tra/kiểm tra; công tác phối hợp các hoạt động thanh tra/kiểm tra; công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi; trách nhiệm của người tham gia thanh tra/kiểm tra góp phần bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, đúng quy định.

Nội dung thanh tra, kiểm tra gồm công tác chuẩn bị tổ chức thi; công tác coi thi; công tác chấm bài thi tự luận; công tác chấm bài thi trắc nghiệm; việc xử lý các bài thi vi phạm Quy chế Thi và cập nhật điểm thi vào hệ thống; công tác phúc khảo bài thi tự luận; công tác phúc khảo bài thi trắc nghiệm; công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trong đó, đối với từng nội dung thanh tra, kiểm tra, Bộ GDĐT có quy định cụ thể cần tập trung thanh tra, kiểm tra những nội dung nào.  

Về cách thức tổ chức thanh tra, kiểm tra, Bộ GDĐT yêu cầu nghe, nhận báo cáo (bằng văn bản hoặc báo cáo trực tiếp) của đối tượng thanh tra, kiểm tra (Hội đồng Thi; Ban Coi thi, điểm thi; Ban Làm phách bài thi tự luận; Ban Chấm thi tự luận và Ban Chấm thi trắc nghiệm; Ban Phúc khảo).

Xử lý hoặc kiến nghị xử lý những sai phạm (nếu có); lập biên bản thanh tra, kiểm tra với đối tượng thanh tra, kiểm tra (Ban Coi thi, điểm thi; Ban Làm phách bài thi tự luận; Ban Chấm thi tự luận và Ban Chấm thi trắc nghiệm; Ban Phúc khảo, Ban Thư ký).

Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện rà soát công việc, thời gian và tiến độ để bảo đảm không bỏ sót những nội dung thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Phương Hiếu