Cục ATTP cho biết, nhằm tăng cường triển khai công tác hậu kiểm đối với các nhóm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, đồng thời tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 17/CT-TTg về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, ngay từ đầu năm 2021, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác hậu kiểm về ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021, bảo đảm ATTP trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; tăng cường lực lượng và nguồn lực để kiểm soát giảm tối đa vụ ngộ độc thực phẩm và số người bị ngộ độc tập thể trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Đối với nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, các tỉnh, thành phố tập trung hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tự công bố sản phẩm (không tự công bố sản phẩm, vi phạm về phiếu kiểm nghiệm để tự công bố, tự công bố sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố, vi phạm về các chỉ tiêu ATTP…); kiểm tra điều kiện ATTP, lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu ATTP.

Đối với hậu kiểm việc tự công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ, chỉ cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng tăng cường công tác hậu kiểm về ATTP dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (rà soát lại việc cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, bảo đảm đúng nhóm sản phẩm quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP).  

Đồng thời tiến hành xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về tự công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là xử lý vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng, mạng xã hội, youtube… công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.  Thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong kiểm soát thực phẩm giả, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với thực phẩm chức năng, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục ATTP, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến các hoạt động đảm bảo ATTP, tuy nhiên cùng với công tác chung tay phòng, chống dịch bệnh, Ban ATTP các tỉnh, thành phố, sở y tế các địa phương đã nỗ lực và thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Nhiều đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch linh hoạt chia ra các đợt để thực hiện. Đồng thời có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh tập trung đông người... thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, như kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn tay. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP. Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật.

Để công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm thời gian tới có hiệu quả, phù hợp với tình hình mới, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong đề nghị hằng năm trên cơ sở kế hoạch của Trung ương, các địa phương cần xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của địa phương để ban hành kế hoạch hậu kiểm của địa phương. Trong đó có lưu ý vấn đề thanh tra, hậu kiểm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng; chấn chỉnh các vi phạm trong quảng cáo, đảm bảo an toàn bếp ăn tập thể, phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trong trường học khi học sinh trở lại học trực tiếp.

“Quá trình hậu kiểm cần đảm bảo đúng quy trình, quy định về công tác lấy mẫu, xử phạt vi phạm hành chính,…”, ông Phong nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục ATTP cũng đề nghị thực hiện việc giám sát, lấy mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý vi phạm quảng cáo đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tăng cường việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc do độc tố tự nhiên, công tác bảo đảm ATTP, phòng, chống dịch bệnh COVID… để các hoạt động triển khai đạt hiệu quả.

 (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ)