Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về việc cắt giảm các cuộc thanh tra, ông Trương Thành Quang, Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực hiện Công văn số 1785/TTCP-KHTT ngày 6/10/2021 của Tổng Thanh tra chỉ đạo về việc rà soát, điều chỉnh thực hiện triển khai kế hoạch thanh tra năm 2021, trong đó có nội dung yêu cầu chánh thanh tra các tỉnh rà soát, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch thanh tra, giảm bớt các cuộc thanh tra chưa cần thiết.

Ngoài ra, thực hiện Công văn 15652/UBND ngày 7/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó có giao cho Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tạm dừng thanh tra doanh nghiệp đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2021 và tổ chức vào thời gian phù hợp sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Sau khi rà soát, Thanh tra tỉnh đã báo cáo, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét cho điều chỉnh dừng, không tiến hành thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2021 tại một số đơn vị, doanh nghiệp gồm: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng tại Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông số 1 và số 2 thuộc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, lý do điều chỉnh, hai đơn vị vừa sáp nhập thành Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông trực thuộc UBND tỉnh. Thanh tra việc thực hiện các quy định về công tác phòng chống tham nhũng tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh, lý do điều chỉnh, nội dung thanh tra chưa thực sự cần thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thanh tra việc thực hiện chính sách về thuế tại 30 doanh nghiệp, lý do điều chỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, để thực hiện “mục tiêu kép” trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa còn tiến hành rà soát, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét cho điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2021 với nội dung dừng không thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng tại một số đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế, do các đơn vị đang phải tập trung tham gia tuyến đầu chống dịch. Việc cắt giảm, dừng thanh tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tất cả nhằm mục đích chia sẽ, động viên tinh thần các đơn vị tiếp tục vượt qua khó khăn, đứng vững trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19.

Bên cạnh việc cắt giảm các cuộc thanh tra để giữ vững ổn định tình hình ở cơ sở, từ đầu năm đến nay Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) phức tạp trên tinh thần khách quan, đúng pháp luật, nội dung các vụ việc chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện chế độ chính sách...

Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả luật tiếp công dân theo Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 8/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh.

Trong 9 tháng năm 2021, các cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận 1.614 đơn KN, 497 đơn TC. Nội dung của đơn KNTC chủ yếu ở các địa phương đang triển khai các dự án trọng điểm, phải GPMB đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, các dự án khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các dự án du lịch nghỉ dưỡng, có diện tích thu hồi đất nhiều, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân như Khu Kinh tế Nghi Sơn, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn; các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân…

Trong quá trình giải quyết KNTC, một số vụ việc đã có quyết định giải quyết nhưng các địa phương chậm triển khai thực hiện quyết định, xử lý chưa nghiêm, chưa tương xứng với khuyết điểm, sai phạm; một số vụ việc chưa giải quyết theo đúng trình tự giải quyết KNTC theo quy định của luật KNTC. Một số vụ việc còn khó khăn vướng mắc trong giải quyết do hồ sơ giấy tờ lưu trữ không đầy đủ, quan điểm giải quyết các ngành còn trái ngược, đặc biệt trong việc xác định nguồn gốc đất, việc xem xét chấp thuận các phiếu thu tiền khi giao đất trái thẩm quyền để xác định nghĩa vụ tài chính khi công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do cơ chế, chính sách pháp luật bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, lao động thương binh xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản nên đã nảy sinh nhiều đơn thư KNTC.

Qua đánh giá của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, các vụ việc KNTC đông người, phức tạp chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường GPMB thực hiện các dự án; việc thực hiện chế độ, chính sách với các hộ nghèo, người có công với cách mạng; các vấn đề về môi trường khi thực hiện khai thác tài nguyên… Công tác quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, một số công chức thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ, khi làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân, thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, dẫn đến việc công dân bức xúc, phát sinh KNTC.

Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, chủ tịch UBND các cấp, giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo quy định và các văn bản chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Đến nay, các cơ quan hành chính đã tiếp 11.000 lượt người công dân, số người được tiếp 12.578 người, số vụ việc 8.168 vụ.

Tại các buổi tiếp công dân định kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết dứt điểm, kịp thời không để tình hình bùng phát thành các điểm nóng. Thông qua việc tiếp công dân đã giải thích, giải đáp chính sách pháp luật, hướng dẫn công dân chấp hành các quyết định, kết luận giải quyết KNTC và thực hiện quyền KNTC theo quy định của pháp luật, chỉ đạo, xử lý, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền, đúng quy định.

Xác định việc đối thoại là một khâu quan trọng trong quá trình giải quyết KNTC, thông qua đối thoại không chỉ giúp KNTC được giải quyết nhanh chóng mà đây còn là hoạt động thể hiện tính chất của xã hội dân chủ mà Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực phấn đấu để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chính vì vậy, việc thực hiện đối thoại trong giải quyết KNTC đã được các cấp, ngành ở tỉnh Thanh Hóa quan tâm thực hiện. Ngoài việc đối thoại trong quá trình giải quyết KNTC, tại các buổi tiếp công dân, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước đã trực tiếp đối thoại, giải thích cho công dân về chế độ chính sách, các quy định của pháp luật có liên quan để người dân được biết, hiểu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không tiếp tục KNTC vượt cấp.

Do linh hoạt trong công tác cắt giảm thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC nên tình hình chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản được giữ vững ổn định.

(Bài tuyên truyền thực hiện theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Văn Thanh