Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động ngành Thanh tra tỉnh và cán bộ làm công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025 vừa được người đứng đầu ngành Thanh tra Bắc Ninh ký ban hành.

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, việc ban hành kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ của công chức, người lao động ngành Thanh tra tỉnh và cán bộ làm công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động ngành Thanh tra tỉnh “siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đưa ra 6 nội dung cụ thể. Trong đó, có triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Thông tư số 01/2021 của Thanh tra Chính phủ; nâng cao hiệu quả tuyên truyền quy tắc ứng xử; việc thực hiện quy tắc ứng xử gắn với phong trào văn hóa nơi công sở.

Đặc biệt, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa công sở, quy tắc ứng xử gắn với chương trình, kế hoạch kiểm tra công tác khác trong các cơ quan, đơn vị. Thành lập đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử đối với các đơn vị trong ngành và thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.

Hàng năm, tiến hành sơ kết đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm trong công tác thực hiện. Sau 5 năm sẽ tổ chức tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm chỉ đạo trong giai đoạn kế tiếp.

Ban hành bảng điểm đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm

Cùng với kế hoạch thực hiện quy tắc ứng xử, để siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng đã ký ban hành quyết định bảng điểm đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm đối với thanh tra các sở, ban, ngành và thanh tra các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh. Bảng điểm có thang điểm 100, trong đó có 8 nội dung đánh giá.

Công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 25 điểm; công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) 26 điểm; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 15 điểm; thực hiện tốt kết luận, quyết định thanh tra, giải quyết KN, TC (về kinh tế, đất đai, xử lý cán bộ) 15 điểm; công tác thông tin, báo cáo kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu 5 điểm; thực hiện tốt đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác thi đua, khen thưởng lần lượt được 2 điểm.

Đáng chú ý, trong thang điểm 100 có 10 điểm thưởng nếu đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho thủ trưởng ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thanh tra, giải quyết KN, TC và PCTN tạo được sự chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước tại địa phương, đơn vị; đơn vị giải quyết xong số vụ việc chiếm 10% tổng số vụ việc toàn tỉnh; đơn vị thực hiện xong các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC...

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, hàng năm căn cứ bảng điểm do các đơn vị tự chấm gửi về Thanh tra tỉnh, kèm theo hồ sơ thi đua, khen thưởng, Hội đồng Thi đua - khen thưởng Thanh tra tỉnh sẽ tiến hành đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua, khen thưởng đối với Thanh tra các sở, ban, ngành và Thanh tra các huyện, thị xã, TP.

Việc phân loại được tính theo các mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với đơn vị đạt từ 90 điểm trở lên và từng lĩnh vực công tác phải đạt từ 80% số điểm trở lên; hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với những đơn vị đạt từ 70 điểm đến 89 điểm và từng lĩnh vực công tác phải đạt từ 70% số điểm trở lên; hoàn thành nhiệm vụ là các đơn vị đạt từ 50 điểm đến 69 điểm và từng lĩnh vực công tác phải đạt từ 50% số điểm trở lên; đơn vị có vi phạm pháp luật phải xử lý và đơn vị đạt dưới 50 điểm xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong năm, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành chương trình công tác và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Đối với công tác thanh tra, Thanh tra tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch thanh tra kinh tế - xã hội và PCTN đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo đúng nội dung, tiến độ, chất lượng các cuộc thanh tra.

Hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra. Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư KN, TC, dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh thanh tra theo kế hoạch, chú trọng việc thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch bệnh Covid-19. Hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Cùng với tổ chức thực hiện việc tiếp công dân, Thanh tra tỉnh sẽ kiểm tra, theo dõi, đôn đốc trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn KN, TC, kiến nghị, phản ánh.

Trong công tác PCTN, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, báo cáo kiểm toán, các quyết định xử lý và việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên về công tác PCTN...

Hải Hà