Tôi có cơ duyên được gặp, được tiếp xúc với một số cán bộ thanh tra có cùng sở thích viết lách. Dọc đường tác nghiệp, góp nhặt những câu chuyện mới biết, ai đến với nghề viết đều có cái duyên và điều quan trọng hơn là tình yêu công việc mình đang làm cũng như mong muốn bạn đọc hiểu hơn về ngành Thanh tra.

Các anh, chị không được đào tạo qua trường lớp về nghiệp vụ báo chí, còn công việc thì không liên quan đến báo chí, thế nhưng bù lại, họ là những cán bộ thanh tra, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp - là người trong cuộc nên hiểu hơn về ngành Thanh tra.

Đó có thể là những bài viết về hoạt động của đơn vị, những kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), những cuộc thanh tra hay những quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đó là những bài viết thiết thực giúp bạn đọc hiểu thêm về nghề, ngành Thanh tra, đặc biệt là hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình trong KNTC, PCTN.

Những cán bộ thanh tra tham gia viết báo đều yêu cái nghiệp không chuyên này bởi họ muốn được trải lòng mình, thể hiện niềm đam mê, được thử sức, khẳng định mình hơn. Và chúng tôi, những người làm báo luôn trân trọng niềm đam mê ấy, vì họ chính là “cánh tay nối dài” của tòa soạn, hỗ trợ đắc lực vào sự nghiệp báo chí ngành Thanh tra đến với bạn đọc cả nước.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ thanh tra đã trở thành những thành viên nòng cốt trong một số chuyên trang, chuyên mục có tính chất chuyên ngành của Báo Thanh tra. Họ có nhiều bài viết sâu, phản ánh thực tế, cũng như có những kiến nghị xác đáng từ cơ sở, ngành, nghề mà họ đang công tác.

Thậm chí, có những cán bộ thanh tra còn tham gia vào tuyến bài chất lượng cùng nhóm phóng viên, biên tập viên của Báo Thanh tra tham dự các giải báo chí toàn quốc, và gần đây nhất, có nhóm tác giả đã đoạt Giải B Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí” như các anh Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.

Với các anh, khi cầm tờ báo trên tay, được thấy “đứa con tinh thần” của mình đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là bạn đọc Báo Thanh tra là niềm hạnh phúc, tự hào.

Có thể khẳng định rằng, phải thực sự có niềm đam mê, yêu thích nghề báo thì những nhà báo không chuyên mới dành thời gian, sức lực của mình góp phần làm phong phú cho tờ báo ngành, đồng thời cung cấp thông tin nhanh nhất đến công chúng, bởi với họ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính của mình đã rất vất vả, khó khăn rồi.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Thanh tra Chính phủ chia sẻ, là một cán bộ thanh tra, công việc chính là làm công tác nghiên cứu về pháp luật, một công việc có thể nói là khô cứng, nhưng qua tiếp xúc với công việc, với con chữ, đam mê nghề viết và đặc biệt hơn là nhận thấy sự cần thiết phải để bạn đọc hiểu hơn về ngành Thanh tra, về pháp luật thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN. Và rồi, cái duyên đã đưa anh gắn bó với vai trò là cộng tác viên của Báo Thanh tra và một số tờ báo khác lúc nào không hay.

Còn anh Nguyễn Tuấn Anh - Thanh tra tỉnh Hải Dương và anh Nguyễn Xuân Sơn - Thanh tra tỉnh Bắc Giang thì cái duyên của ngành Thanh tra đã đưa các anh đến với “nghề báo không chuyên”. Yêu ngành Thanh tra, gắn bó với ngành, rồi yêu luôn nghề viết báo. Ngoài tham gia cộng tác tin, bài với Báo Thanh tra, các anh Tuấn Anh, Xuân Sơn còn chủ trì biên soạn tin, bài đăng trên cổng thông tin của đơn vị mình.

Trong câu chuyện với anh Nguyễn Tuấn Anh, được biết khoảng thời gian đầu khi về làm công tác thanh tra, được đọc Báo Thanh tra cùng với sự động viên của lãnh đạo đơn vị, mặc dù không có nghiệp vụ báo chí, nhưng với sự hướng dẫn nhiệt tình của một số nhà báo, cùng với kinh nghiệm về ngành Thanh tra, anh đã cùng phóng viên Báo Thanh tra thường xuyên cập nhật tin tức về hoạt động của đơn vị và có những bài viết chuyên sâu về hoạt động ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN của địa phương.

Anh Tuấn Anh chia sẻ, là một cán bộ của ngành Thanh tra nhưng nhờ yêu nghề viết, anh đã chủ động viết tin, bài về hoạt động của đơn vị.

Cũng theo anh Tuấn Anh, được tham gia vào nghề viết không chuyên này, mới cảm phục những nhà báo chuyên nghiệp và cũng nhờ đó, mới thấy công tác truyền thông rất quan trọng, đặc biệt là công tác truyền thông chuyên ngành. Bởi, không nói, không viết, không có truyền thông, bạn đọc, người dân không hiểu được ngành Thanh tra đã làm những gì và kết quả ra sao. Cũng không ai hiểu được gian khổ của người làm công tác thanh tra, sự hy sinh thầm lặng. Như lời của một cán bộ thanh tra từng chia sẻ: “Ngành Thanh tra gánh trên vai trọng trách to lớn, làm thì nhiều, nói lại ít, bởi nhiều người cho rằng, thành tích của đơn vị mình lại là khuyết điểm của đơn vị khác”.

Chúng tôi mong rằng, mỗi cán bộ thanh tra sẽ là một nét bút riêng để đưa được tiếng nói của mình vào bài viết giúp bạn đọc hiểu hơn về ngành Thanh tra, về tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN.

Lê Phương