Thực hiện 83.983 cuộc thanh tra

Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2021 của TTCP cho thấy, thời gian qua toàn ngành đã triển khai 3.260 cuộc thanh tra hành chính và 80.723 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 31.025 tỷ đồng, 1.760ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644ha đất.

Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 24.008 tỷ đồng, 1.116ha đất; ban hành 65.857 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.501 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 132 vụ, 63 đối tượng.

Về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 140.087 lượt, có 156.966 công dân được tiếp với 112.675 vụ việc; có 1.395 đoàn đông người (giảm 15% số lượt người, giảm 16% số vụ việc, giảm 15% số đoàn đông người so với cùng kỳ năm 2020).

Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã xử lý 138.248 đơn (tăng 72,2% so với cùng kỳ năm 2020) trong tổng số 161.215 đơn đã tiếp nhận; có 20.451 đơn khiếu nại (giảm 25.9%), 8.592 đơn TC (giảm 38,1%), trong đó có 10.070 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính (giảm 27,5%). Trong đó, TTCP đã xử lý 1.847 đơn đủ điều kiện xử lý trong tổng số 5.627 đơn tiếp nhận.

Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 7.677/10.070 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền, trong đó TTCP kết luận, báo cáo 15 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao.

Thông qua công tác giải quyết KN,TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân, tổ chức 33,53 tỷ đồng, 20,1ha đất; trả lại quyền lợi cho 7 tổ chức và 288 các nhân, kiến nghị xử lý hành chính 233 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 4 vụ việc.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ theo Luật PCTN 2018, nhất là các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác PCTN; xây dựng các kế hoạch, báo cáo sơ kết, tổng kết các văn bản liên quan theo yêu cầu.

Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 4.993 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 89 đơn vị vi phạm. Đồng thời tiến hành 1.339 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 75 vụ việc vi phạm, 123 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường trên 20,2 tỷ đồng. Kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 2.902 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 33 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 20 vụ việc, 35 người. Trong đó: Qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 9 vụ, 10 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 8 vụ, 21 người; qua giải quyết KN,TC phát hiện 3 vụ, 4 người liên quan đến tham nhũng.

Linh hoạt thực hiện kế hoạch, đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ

6 tháng đầu năm 2021, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid -19, TTCP và ngành Thanh tra đã bám sát đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình để triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả tích cực. TTCP đã linh hoạt, đề ra nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành công tác của ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” theo nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù trong thời gian này có sự chuyển giao công tác của người đứng đầu, nhưng hoạt động của ngành luôn được đảm bảo liên tục, thông suốt, kịp thời. Trong đó, đã kịp thời tổ chức học tập, nghiên cứu và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên trong công tác, tập trung chỉ đạo ngành Thanh tra phấn đấu hoàn thành mục tiêu theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Trong công tác thanh tra, đã khẩn trương tổ chức thực hiện định hướng chương trình thanh tra năm 2021 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; linh hoạt thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đảm bảo góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ. TTCP tập trung thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp; chú trọng đẩy mạnh đôn đốc, thực hiện các kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là đối với các kết luận thanh tra thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đảm bảo góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các ngày lễ lớn của dân tộc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác này; tỷ lệ giải quyết các vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thanh tra cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Một số nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm 2021 của TTCP và của ngành Thanh tra triển khai chậm so với dự kiến; vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, dư luận xã hội quan tâm.

Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ. Một số nhiệm vụ, kế hoạch công tác PCTN triển khai còn chậm; tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra

Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, TTCP cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế liên quan đến dịch bệnh Covid-19, đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với TTCP, nhất là quán triệt, thực hiện tốt 3 nguyên tắc, 4 bài học kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch.

Về công tác thanh tra, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021, quá trình triển khai quan tâm bám sát diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TTCP và thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp; rà soát điều chỉnh kế hoạch (khi cần thiết).

Tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất, những cuộc đã triển khai từ trước năm 2021. Chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và khi được giao.

Tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; xử lý nghiêm và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra.

Tăng cường công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 33/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật cơ quan, tổ chức, cá nhân có biểu hiện cố tình trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật KN, Luật TC, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác này. Chủ động, tích cực giải quyết dứt điểm các vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đối với công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài. Chủ động trong việc nắm tình hình KN,TC trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, tăng cường xây dựng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn và công cụ kiểm tra, giám sát; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra nội bộ, không để xảy ra tình trạng nể nang, né tránh khi xử lý các vấn đề vi phạm của nội bộ.

Phương Anh