Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 2 có chức năng tham mưu cho Chánh Thanh tra tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra kinh tế và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác thanh tra về lĩnh vực kinh tế. 

Giai đoạn 2016 - 2020, phòng đã triển khai và kết thúc 16 cuộc thanh tra; trong đó, 13 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 3 cuộc thanh tra đột xuất. Qua thanh tra phát hiện tổng sai phạm trên 29.000 triệu đồng; kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước gần 19.000 triệu đồng và đã thu hồi đạt 96,64%; kiến nghị xử lý khác gần 11.000 triệu đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm 140 cá nhân, 26 tập thể sai phạm. Đồng thời, đề nghị các đơn vị có sai phạm phải chấn chỉnh công tác quản lý, rút kinh nghiệm và khắc phục sai sót. Các kiến nghị, đề xuất của kết luận thanh tra, được các đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra thống nhất cao và chấp hành thực hiện khá tốt.

Qua thanh tra, nội dung sai phạm chủ yếu về tài chính là: Chi vượt định mức; hợp pháp hóa chứng từ thanh toán; xây dựng dự toán không có văn bản quy định mục chi; chi không đúng mục đích; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ chưa đúng quy định. Nội dung sai phạm về xây dựng cơ bản chủ yếu: Đơn vị thi công, thi công không đúng thiết kế được duyệt, nhưng vẫn nghiệm thu đúng thiết kế; nghiệm thu thanh toán không chính xác, thừa khối lượng; nghiệm thu không đúng thực tế thi công, làm tăng giá trị tổng dự toán. 

Quá trình thanh tra, các đoàn đều thực hiện đúng trình tự thủ tục theo Thông tư 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, các kết luận thanh tra có tính khả thi cao, đúng thời hạn luật định và được Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo thống nhất theo kết luận thanh tra.

Theo Trưởng Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 2 Nguyễn Quốc Thống, đạt được kết quả trên, Phòng luôn được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thanh tra tỉnh cùng với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết nhất trí cao tập thể phòng. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu về pháp luật thanh tra và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc phân công trách nhiệm cho các thành viên theo đúng sở trường công tác, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ. 

Các đoàn thanh tra luôn làm tốt công tác tư tưởng cho đối tượng thanh tra như: Khi triển khai quyết định thanh tra phải nêu rõ mục đích yêu cầu cho đối tượng thanh tra hiểu; thanh tra nhằm mục đích giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực; sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; chứ không phải thanh tra nhằm mục đích thu hồi tiền và xử lý trách nhiệm... Từ đó, để đối tượng thanh tra hiểu và cung cấp hồ sơ đầy đủ kịp thời. 

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra có tư duy tổng hợp; quá trình thanh tra, trưởng đoàn thường xuyên theo sát hoạt động đoàn thanh tra và xử lý những tình huống phát sinh ngay từ đầu khi thành viên đoàn thanh tra xin ý kiến. Còn các thành viên trong đoàn thanh tra thì thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao để trưởng đoàn có hướng chỉ đạo chung, kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh để cùng nhau giải quyết. 

Nhưng không phải đối tượng thanh tra nào cũng hợp tác, thực hiện tốt việc thanh tra. Bởi thực tế, vẫn còn việc đối tượng thanh tra cung cấp chậm, không đầy đủ hoặc không cung cấp thông tin tài liệu cho đoàn thanh tra. 

Theo chia sẻ của Trưởng Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 2, khi gặp những trường hợp trên, trước hết, đoàn thanh tra phải tích cực tuyên truyền, động viên, thuyết phục, đối tượng thanh tra cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra. Trường hợp chậm cung cấp thông tin, tài liệu lần thứ nhất cần áp dụng biện pháp nhắc nhở bằng văn bản; chậm lần thứ hai phải lập biên bản về hành vi của đối tượng thanh tra không chấp hành theo nội dung yêu cầu của đoàn thanh tra để báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Những trường hợp như vậy, đòi hỏi trưởng đoàn thanh tra cần bình tĩnh, xác định nguyên nhân, động cơ mà đối tượng thanh tra không cung cấp, thông tin tài liệu. Sau đó, gặp thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra để trao đổi; xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra và yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định pháp luật. 

Việc gặp thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra cần lập thành văn bản và phải báo cáo người ra quyết định thanh tra biết. Nếu cần thiết, trưởng đoàn thanh tra có thể tham mưu người ra quyết định thanh tra có văn bản gửi đến thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên để nhắc nhở, can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật... Chính vì vậy, chất lượng các cuộc thanh tra về lĩnh vực kinh tế ngày được nâng cao.

 
CTV Lê Ngọc Long