Báo cáo Chính phủ về tình hình công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cho biết, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc xác định lĩnh vực công tác dân tộc trong tình hình hiện nay rất quan trọng. Đảng uỷ, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc luôn quan tâm chỉ đạo thường xuyên và kịp thời đối với công tác thanh tra nói chung, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng, kiểm tra việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương để xem xét, hướng dẫn, trả lời và xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với những vụ việc khiếu kiện của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong kỳ báo cáo tiếp công dân, kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Ủy ban Dân tộc giảm so với cùng kỳ năm trước, nội dung đơn chủ yếu khiếu nại, tố cáo về chế độ chính sách thu hồi đất đền bù, hỗ trợ tái định cư chưa thỏa đáng... Ủy ban Dân tộc tiếp 82 lượt công dân, trong đó có 8 đoàn đông người, đoàn đến nhiều lần nhất là 7 lần; tiếp nhận 190 đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, trong đó có 16 đơn khiếu nại, 9 đơn tố cáo; giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, năm 2021, toàn bộ đơn gửi đến Ủy ban Dân tộc là đơn vượt cấp, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban.

Điểm khác biệt ở Ủy ban Dân tộc so với các đơn vị khác năm 2021 là 100% đơn thư nhận được là đơn không thuộc thẩm quyền. Điều này có nguyên nhân khách quan như phân tích ở trên, nhưng cũng trở thành một trăn trở lớn của Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc. Vì vậy, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc thường xuyên quan tâm chỉ đạo các vụ, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất phương án triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương để xem xét, hướng dẫn, trả lời và xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với những vụ việc khiếu kiện của đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản chỉ đạo điều hành và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đến cả người dân và cán bộ thi hành. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện chưa chuẩn mực.

leftcenterrightdel
 Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (ảnh minh họa) 

Nhận định về nguyên nhân của tình trạng đơn thư của công dân còn gửi vượt cấp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cho biết, nguyên nhân là một số chính sách, đặc biệt chính sách đất đai chưa phù hợp, chính sách đền bù chưa hợp lý và thống nhất; hệ thống pháp luật, công tác quản lý còn một số vướng mắc, bất cập. Một số đồng bào dân tộc trình độ hiểu biết pháp luật nói chung còn nhiều hạn chế, đặc biệt là pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Về chủ quan, một số nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện nghiêm quy chế tiếp công dân, còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không tuân thủ đúng quy trình giải quyết; việc giải quyết còn chậm nên các vụ việc khiếu kiện không được giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh và lâu ngày trở thành khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp.

Mặt khác, việc triển khai các chính sách hỗ trợ đền bù về đất đai chưa giải quyết dứt điểm, đôi khi còn thiếu công khai, minh bạch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện, một số cán bộ tại địa phương làm việc chưa hết tinh thần trách nhiệm, dẫn đến người dân khiếu nại, tố cáo đến UBND cấp tỉnh và Trung ương để khiếu kiện.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm một cách sâu sắc, triệt để trong những vụ việc khiếu kiện, kéo dài; những vụ việc khiếu kiện nhiều năm, những vụ việc do lịch sử để lại, đặc biệt là ở một số tỉnh phía Nam, nên công dân tiếp tục đi lên cơ quan Trung ương khiếu kiện.

leftcenterrightdel
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (ảnh minh họa) 

Chia sẻ thêm với PV Báo Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Ủy ban Dân tộc, ông Trần Phi Trường cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã bám sát kế hoạch công tác năm 2021 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban giao theo Quyết định số 742/QĐ-UBDT ngày 8/12/2020, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tết các nội dung công việc đến lãnh đạo công chức. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã chủ động tham mưu trình lãnh đạo Ủy ban điều chỉnh kế hoạch, nội dung công tác thanh tra năm 2021 theo hướng giảm số lượng các cuộc thanh tra; tăng cường công tác thanh tra hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; phối hợp với các vụ, đơn vị tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra việc thực hiện các chính sách dân tộc ở địa phương; đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung và đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban giao tại Quyết định số 39/QĐ-UBDT ngày 2/2/2018; Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã kịp thời phân công nhiệm vụ lãnh đạo và công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân đúng quy định và có thái độ giao tiếp, ứng xử ân cần, chu đáo, văn minh, lịch sự, hết lòng phục vụ nhân dân; phối hợp với Văn phòng Ủy ban, các vụ, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu tại các địa điểm tiếp công dân để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tham mưu thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo đảm bảo kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Ngoài các nỗ lực nói trên, Thanh tra Ủy ban Dân tộc cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức Thanh tra Ủy ban phải thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng nghiệp vu, nắm chắc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, xây dựng tác phong chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức theo quy định của Thanh tra Chính phủ trong thi hành nhiệm vụ, đặc biệt là trong ứng xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyệt đối tránh việc sửa lại các quyết định, kết luận trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hay hướng dẫn đồng bào; đảm bảo hướng dẫn trúng và đúng cho các cán bộ cấp dưới thực hiện. Trong kỳ báo cáo, Ủy ban Dân tộc không ban hành, hủy bỏ hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

9 tháng qua, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Thanh tra Ủy ban Dân tộc tập trung vào công tác xây dựng thể chế: Tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn bản: Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); một số nghị định xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi); dự thảo thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự tiến hành thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, dự thảo thông tư quy định nội dung thẩm quyền thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, dự thảo đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Thanh tra Chính phủ, dự thảo nghị định quy định cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... 
Đan Quế