Triển khai đồng bộ, quyết liệt

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, trong 5 năm qua, công tác xây dựng thể chế được lãnh đạo TTCP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ và quyết liệt, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực quản lý của TTCP ngày càng được củng cố, hoàn thiện.

TTCP đã giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Tố cáo (TC) và Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Với 2 đạo luật này, các chủ trương quan trọng của Đảng về công tác giải quyết TC, PCTN đã thể chế hóa được yêu cầu của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm.

“Luật TC 2018 tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết TC. Đặc biệt, Luật TC năm 2018 và văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa tối đa quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, có nhiều đổi mới theo hướng cải cách, rút gọn trình tự, thời gian giải quyết TC, cho phép rút TC, quy định rõ về bảo vệ người TC, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết TC…”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Đối với Luật PCTN 2018, theo Phó Tổng Thanh tra, Luật không những phù hợp với tinh thần Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà còn quy định khá toàn diện về PCTN trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác PCTN; làm rõ vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN như thanh tra, kiểm toán, điều tra; làm rõ nội dung quản lý Nhà nước về công tác PCTN; đề cao vai trò của xã hội (công dân, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, báo chí) trong PCTN...; thiết lập cơ sở pháp lý cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những đối tượng như cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên...

TTCP đã trình Chính phủ ban hành 4 nghị định quan trọng trong công tác thanh tra, giải quyết TC như: Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra; Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết về biện pháp tổ chức thi hành một số điều của Luật Thanh tra; Nghị định số 31/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật TC; Nghị định số 59/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật TC.

Thể chế hóa các chủ trương quan trọng của Đảng

Cũng trong 5 năm qua, TTCP đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 chỉ thị: Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Đồng thời, đã trình Chính phủ 1 đề án “Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019-2021”; ban hành và phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành 6 thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra các cấp.

TTCP cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn toàn ngành Thanh tra thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; tiến hành sơ kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; qua đó góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Ngoài ra, TTCP còn ban hành và phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành 6 thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra các cấp....

Đề xuất định hướng sửa Luật Thanh tra

TTCP đã tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Thanh tra. Qua thực hiện cho thấy, Luật Thanh tra năm 2010 đã phát huy tác dụng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động thanh tra trong những năm qua, kết quả thanh tra phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm có xu hướng tăng lên theo thời gian, cả trong thanh tra hành chính lẫn thanh tra chuyên ngành, góp phần quan trọng trong chấn chỉnh quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Luật Thanh tra đã cho thấy những bất cập, hạn chế về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra. Do đó, TTCP đã trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác thanh tra.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý, đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2021 của Quốc hội về việc sửa đổi Luật thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra cũng cho biết thêm, hiện nay, TTCP đang tiếp tục xây dựng, trình Chính phủ 2 nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Khiếu nại (KN, thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012) và Nghị định về Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; trình Thủ tưởng Chính phủ 1 đề án “Đề án Hệ thống Cơ sở dữ liệu về minh bạch và tài sản, thu nhập và xây dựng các thông tư hướng dẫn theo kế hoạch xây dựng thể chế của TTCP”.

Song song với đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thanh tra, KN,TC và PCTN cũng được tăng cường, đổi mới cả về hình thức và nội dung tuyên truyền, đặc biệt là sau khi Luật TC 2018 và Luật PCTN 2018 được Quốc hội thông qua.

“Nhìn chung, trong giai đoạn 2015-2020, TTCP đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Các văn bản pháp luật do TTCP xây dựng trong thời gian qua đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác thanh tra, giải quyết KN, TC, tiếp công dân và PCTN, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần hoàn thiện cơ chế giải quyết KN,TC, tiếp công dân một cách khách quan, dân chủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, PCTN, cũng như xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Hoàn thành có chất lượng 100% các văn bản theo kế hoạch hằng năm

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho rằng, 5 năm tới là giai đoạn cả nước ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ đặt ra cho TTCP và ngành Thanh tra những yêu cầu mới trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN cũng như công tác pháp chế.

Do đó, theo Phó Tổng Thanh tra, trong nhiệm kỳ tới, song song với việc tiến hành các cuộc thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN thì công tác pháp chế của ngành Thanh tra cần phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng; đồng thời tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống quy chế, quy trình nghiệp vụ về công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN.

Đặc biệt là đẩy mạnh việc soạn thảo các dự án luật, đề án theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội và chương trình công tác hàng năm của Chính phủ như: Xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và các Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra; chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và PCTN để phù hợp với văn bản mới được ban hành. Tổng kết 10 năm thi hành Luật KN (2012-2022), sơ kết 3 năm thi hành Luật TC (2019-2021). Nâng cao chất lượng công tác góp ý, kiểm tra văn bản pháp luật; tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật;…

“Trong 5 năm tới, TTCP quyết tâm hoàn thành có chất lượng 100% các văn bản theo kế hoạch xây dựng thể chế hàng năm, trọng tâm là giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động thanh tra”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh. 

Thái Hải