Phát hiện hơn 134 tỷ đồng sai phạm

Năm 2022 dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, ngành Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả, thanh tra hành chính, các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã triển khai 503 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 134 tỷ đồng và 3.447m2 đất, kiến nghị thu hồi hơn 124 tỷ đồng, kiến nghị khác gần 10 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Riêng Thanh tra tỉnh triển khai 114 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, phát hiện vi phạm về kinh tế phải xử lý gần 125 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 121 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Thanh tra các sở, ngành triển khai 20 cuộc, đã kết thúc thanh tra và ban hành kết luận 11 cuộc, phát hiện vi phạm về kinh tế phải xử lý và kiến nghị thu hồi 78,72 triệu đồng.

Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố triển khai 369 cuộc thanh tra hành chính, tập trung vào lĩnh vực đất đai, ngân sách và đầu tư xây dựng tại các xã, quản lý thu chi tài chính ở các trường học, phát hiện sai phạm gần 9 tỷ đồng và 3.447m2 đất, kiến nghị thu hồi hơn 2 tỷ đồng.

Đối với thanh tra chuyên ngành, thanh tra các sở, ngành đã tiến hành 839 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã ban hành kết luận 288 cuộc, tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.950 cá nhân và 1.637 tổ chức. Qua thanh tra, phát hiện 609 cá nhân, 481 tổ chức có vi phạm, phát hiện vi phạm số tiền gần 18 tỷ đồng. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 291 tổ chức, 324 cá nhân, số tiền xử phạt hơn 7,6 tỷ đồng.

Tăng cường tiếp dân để ổn định tình hình ở cơ sở

Nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC), rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ phức tạp, kéo dài, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, xử lý tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp tại cơ quan Trung ương, nhất là vào các dịp lễ, Tết, thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh thường xuyên phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Công an tỉnh trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư KN,TC, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp.

Thường xuyên tiến hành giao ban với các cơ quan khối nội chính trao đổi thông tin, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC và phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, chủ tịch UBND các cấp, giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Tổng số lượt tiếp công dân trong năm là 11.459 lượt, số người được tiếp 13.217 người, số vụ việc 9.633 vụ. Số đoàn đông người được tiếp tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh là 33 lượt đoàn với 22 vụ khiếu kiện đông người.  

Tình hình KN,TC có chiều hướng giảm   

Trong năm 2022, tình hình KN,TC có chiều hướng giảm số đơn và đoàn đông người. Tuy nhiên, tính chất một vài đoàn khiếu kiện đông người có phần gay gắt, kéo dài, tập trung, gửi đơn thư nhiều cấp để gây sức ép. Nội dung chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và việc quản lý về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), xây dựng nông thôn mới, giải quyết các chính sách xã hội.

Nguyên nhân của tình hình KN,TC là do hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu tái định cư và các công trình trọng điểm góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc thực hiện các dự án liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và việc thực hiện công tác quản lý đất đai, cấp GCNQSDĐ, giải quyết các chính sách xã hội đã phát sinh khiếu kiện, diễn biến phức tạp, vượt cấp. Qua theo dõi, có một số trường hợp cố tình chống đối, không hợp tác trong kiểm đếm, thu hồi đất, phải thực hiện cưỡng chế.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lao động - thương binh - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Một số vụ việc đã có quyết định giải quyết nhưng chậm triển khai thực hiện quyết định, xử lý chưa nghiêm, chưa tương xứng với khuyết điểm, sai phạm.

Một số vụ việc còn khó khăn, vướng mắc trong giải quyết do hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, quan điểm giải quyết của các ngành còn trái ngược, đặc biệt trong xác định nguồn gốc đất, việc xem xét chấp thuận các phiếu thu tiền khi giao đất trái thẩm quyền để xác định nghĩa vụ tài chính khi công nhận và cấp GCNQSDĐ, nên công dân tiếp tục khiếu kiện.

Các vụ việc đông người, phức tạp chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, chế độ, chính sách với các hộ nghèo, người có công với cách mạng, các vấn đề môi trường khi thực hiện khai thác tài nguyên.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, một số công chức thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ, khi làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân, thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, dẫn đến công dân bức xúc, phát sinh KN,TC.

Văn Thanh