Đơn của công dân đã được giải quyết nghiêm túc,khẩn trương

Báo cáo trong buổi làm việc, ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, UBND tỉnh Lào Cai đã triển khai và chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện đầy đủ, hiệu quả đối với hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư, và giải quyết KNTC.

Tại các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC và kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng từ đó kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn khuyết điểm, xử lý vi phạm theo quy định. Hầu hết các đơn KNTC kiến nghị, phản ảnh của công dân đã được tiếp nhận, phân loại, tham mưu xử lý kịp thời theo quy định, giải quyết nghiêm túc, tích cực, khẩn trương. Việc giải quyết KNTC đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý.

Đối với công việc rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn, UBND tỉnh Lào Cai đã nghiêm túc triển khai, thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, hướng dẫn của TƯ và chỉ đạo giải quyết của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai. Kết quả rà soát, giải quyết các vụ việc trên địa bàn đến thời điểm hiện tại đã đạt kết quả tích cực; các vụ việc đã được chỉ đạo sát sao, giải quyết dứt điểm.

Trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã đón tiếp 5.969 lượt công dân (7.680 người) đến nơi tiếp công dân kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo (năm 2019 giảm 7,5% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2020 tăng 11,17% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã tiếp nhận 7.379 đơn; qua xử lý đơn, xác định có 2.107 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính.

Riêng UBND tỉnh Lào Cai tiếp nhận 2.546 đơn thư của công dân gửi đến để KNTC, kiến nghị, phản ánh. Nội dung đơn thư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Có những huyện cả năm không phát sinh đơn thư

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ, thực hiện Luật Tiếp công dân và các văn bản liên quan, các cơ quan chuyên môn và các cấp, chính quyền trên địa bàn tỉnh Lào Cai thành lập Ban Tiếp công dân, Tổ Tiếp công dân đảm bảo đúng quy định và yêu cầu công việc thực tế tại ngành, địa phương. Đồng thời, các cơ quan liên quan trong tỉnh đã bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, có kỹ năng để thực hiện công tác tiếp công dân; ưu tiên chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.

Cụ thể hơn, liên quan tới việc sắp xếp lại Ban Tiếp công dân, vừa qua, tỉnh Lào Cai đã thí điểm tại 05 huyện, đặt Ban Tiếp công dân trực thuộc thanh tra các huyện, thành phố, thị xã. Sau một thời gian thí điểm cho thấy rõ hiệu quả.

 “Trong thực tế, nếu chuyển về thanh tra các cấp, các huyện thì về mặt chuyên môn nghiệp vụ rất rõ ràng, nhất là công tác hướng dẫn, và phân loại xử lý đơn thư được chính xác hơn, bên cạnh đó, còn tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền, địa phương trong công tác tiếp công dân. Vì vậy, trong quý I, năm 2020, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương triển khai 9/9 huyện, thị xã đều áp dụng mô hình tiếp công dân nói trên”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Ông Trường bày tỏ quan điểm, đối với một tỉnh như Lào Cai nói riêng, cũng giống như một số tỉnh đang phát triển, các tỉnh có các dự án về đô thị, các dự án về phát triển kinh tế xã hội, về du lịch, về khu kinh tế cửa khẩu, về khoáng sản thì đương nhiên sẽ nảy sinh các nội dung liên quan đến KNTC bao giờ cũng sẽ nhiều hơn, tuy nhiên, trong tỉnh Lào Cai có 9 huyện, thành phố, thị xã, nhưng đáng nói, có những huyện cả năm không phát sinh đơn thư (huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà).

Trong chỉ đạo, điều hành thời gian tới và những năm tiếp theo, ông Trường khẳng định, tỉnh Lào Cai xác định phương châm “hài hoà để phát triển”. Để được như vậy, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo việc giải quyết đơn thư KNTC.

Tập trung vào các vụ việc kéo dài, tụ tập đông người, việc đền bù giải phóng mặt bằng, đất đai và môi trường. Với các vụ việc còn có vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh sẽ chủ động phối hợp để trao đổi, bàn phương án giải quyết. Quá trình xem xét, giải quyết KNTC tiếp tục quán triệt và chấp hành nghiêm tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đó là “xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết dứt điểm mang tính có lợi cho người dân và doanh nghiệp”.

Tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp công dân cho cán bộ, công chức

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thanh tra Chính phủ đánh giá cao UBND tỉnh Lào Cai và các cấp, các ngành đã chuẩn bị báo cáo tương đối đầy đủ theo đúng đề cương được yêu cầu.

Đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật về KNTC, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ nhận xét, qua hoạt động giải quyết KNTC trên địa bàn trong thời gian qua cho thấy, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về KNTC; việc tiếp nhận và giải quyết KNTC đã đi vào nền nếp, ngày càng hiệu quả và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Hầu hết đơn thư KNTC của người dân đều được tiếp nhận, xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định.

Một kết quả đáng ghi nhận của tỉnh Lào Cai mà Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ đánh giá cao đó là trong năm 2019, Trụ sở Tiếp công dân TƯ tại Hà Nội chỉ tiếp 25 lượt công dân của tỉnh Lào Cai, chiếm 0,13% so với cả nước, đến trình bày 11 vụ việc, chiếm 0,28%. Như vậy, so với năm 2018, năm 2019, tỉnh Lào Cai giảm mạnh về cả ba tiêu chí gồm số lượt người, số vụ việc và số đoàn đông người. Tám tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên chỉ có 11 công dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến trình bày 6 vụ việc tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ, không có đoàn đông người.

“Lào Cai vừa qua giải quyết rất tốt những vụ việc KNTC đông người. Qua theo dõi nhận thấy, đây là một trong những địa phương rất cầu thị, đã mời Ban Tiếp công dân TƯ lên giải quyết KNTC tại địa phương nhiều nhất, hiện nay, đa số các vụ việc phức tạp được cơ bản giải quyết xong”, ông Điệp nhấn mạnh.

Thời gian qua, Lào Cai cũng là địa phương triển khai tiếp công dân trực tuyến; đã thí điểm tiếp công dân tại địa phương, việc triển khai thí điểm mô hình tiếp công dân này cơ bản phù hợp, hiệu quả với địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng. Nhiều vụ việc từ trước tới nay, tỉnh cũng đã quan tâm đối thoại tại cơ sở, một số đoàn đông người đã được chấm dứt. Có thể nói, tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương có tỷ lệ rút đơn khá cao.

Mặt khác, hiện nay, tỉnh Lào Cai đã có quy chế phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát, đây cũng là một điểm mới triển khai có hiệu quả của địa phương mà Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ đánh giá cao. Tỉnh cũng đã có thanh tra đột xuất, giải quyết theo nhóm vấn đề khá hiệu quả.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tiềm ẩn có thể xuất hiện tại vùng biên giới, về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Điệp đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các ngành chức năng, đặc biệt là các huyện liên quan phải chú trọng, giải quyết thật tốt các vấn đề KNTC với đồng bào tôn giáo, với đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, đề nghị Chánh Thanh tra tỉnh qua các buổi tập huấn nghiệp vụ cần quán triệt điều này.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước trong công tác tiếp công dân; tăng cường đối thoại, giải quyết ngay từ cơ sở; tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp; tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp công dân cho cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra trách nhiệm; quan tâm giải quyết hết vụ việc trên địa bàn.

Đặc biệt, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng giải quyết KNTC lần đầu.

Ông Điệp cho rằng, chất lượng giải quyết KNTC lần đầu rất quan trọng, nếu không nâng cao chất lượng giải quyết lần đầu, mà ban hành quyết định ngay lần đầu đã không đúng thì hệ quả rất lớn, có thể đẩy người dân ra xa chính quyền hơn.

“Cảm thấy kết quả giải quyết lần đầu không đúng, yêu cầu hủy, làm lại và kiểm tra lại tất cả quy trình giải quyết, quan tâm đến việc giải quyết hết nội dung vu việc thay vì giải quyết hết thẩm quyền”, ông Điệp cho biết.

Mặt khác, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cũng đề nghị tỉnh Lào Cai quan tâm hơn đến công tác báo cáo kết quả tiếp dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời tổng hợp, đánh giá kết quả thí điểm mô hình Ban Tiếp công dân tại các huyện, thị xã, thành phố báo cáo Tổng Thanh tra.

Trong thời gian diễn ra các kỳ họp TƯ, kỳ họp Quốc hội, sau đó chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc, căn cứ Kế hoạch 1248/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai cần chỉ đạo thành lập Tổ Công tác phục vụ Đại hội. Tổ Công tác này sẽ do lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch chuẩn bị, chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với Ban Tiếp công dân TƯ, tránh diễn biến phức tạp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

 

 

Bảo Anh