Thanh tra Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, qua quá trình kiểm tra, đoàn đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn các cơ sở khắc phục một số tồn tại, thiếu sót trong triển khai quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan có những giải pháp phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn để các DN ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra 6 cơ sở trên địa bàn 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn và làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Vân Đồn.

Tại các đơn vị được kiểm tra lần đầu, Thanh tra Sở Công thương nhận định, các DN sản xuất công nghiệp lớn (3 DN ngành than, 1 DN sản xuất điện) đã chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về phòng, chống dịch. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và đã được chính quyền phê duyệt; thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống dịch tới người lao động bằng nhiều hình thức; tổ chức tập huấn cho các thành viên ban chỉ đạo; tổ chức làm bài thu hoạch tìm hiểu về cách phòng, chống dịch COVID-19…

Đồng thời, lập chốt kiểm soát, thực hiện khai báo y tế và lập sổ theo dõi người ra, vào cơ sở; giãn cách trong quá trình làm việc, ăn ca, nhận lệnh sản xuất; tổ chức thực hiện các hướng dẫn phòng, chống dịch tại nơi làm việc và ký túc xá; chủ động xét nghiệm sàng lọc cho người lao động và thực hiện đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Yêu cầu người lao động tạm thời không di chuyển ra khỏi tỉnh để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh; trường hợp bất khả kháng phải ra khỏi tỉnh, phải được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị hoặc sự phê duyệt của Ban Chỉ đạo chống dịch công ty; khi trở về phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 và cách ly theo quy định…

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Công thương cũng đánh giá, cùng với các DN lớn, một số cơ sở có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ cũng đã bước đầu triển khai một số quy định về an toàn phòng, chống dịch như: Thực hiện kiểm soát người ra, vào, khử khuẩn, khai báo y tế, thực hiện giãn cách trong quá trình kinh doanh...

Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện tại chợ Cái Rồng (Vân Đồn), nội dung kế hoạch phòng, chống dịch còn chung chung, chưa cụ thể, rõ nhiệm vụ cần triển khai; chưa phù hợp với thực tế. Không có phương án đảm bảo hoạt động nếu có trường hợp nghi nhiễm F0, F1, F2; tại 5 cổng phụ chưa bố trí đầy đủ người trực, dung dịch sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế theo kế hoạch được duyệt...

Tương tự, tại Nhà máy Hàu Vân Đồn, kế hoạch phòng, chống dịch mới được lập và phê duyệt từ ngày 25/6/2021. Nội dung kế hoạch còn chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ nhiệm vụ và chưa phù hợp với thực tế triển khai tại đơn vị. Chưa có phương án đảm bảo sản xuất nếu có trường hợp nghi nhiễm, F0, F1, F2 tại cơ sở. Không thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19; chưa phân công nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cũng như các tổ công tác phòng, chống dịch...

Đại diện Thanh tra Sở Công thương cho biết, để các cơ sở kịp thời khắc phục một số tồn tại, hạn chế, đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời hướng dẫn DN điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với thực tế và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ban Quản lý các khu kinh tế, UBND các địa phương xây dựng kế hoạch để phối hợp với ngành Y tế tổ chức tập huấn lại cho cán bộ chủ chốt của DN về công tác phòng, chống dịch; ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh…

Song song với việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào tiêu thụ các sản phẩm nông sản; hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân, doanh nghiệp thông qua các hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, các cửa hàng giới thiệu bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Voso, Shopee, Lazaza...); bán hàng online qua website, facebook, điện thoại, zalo để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay nhiều địa phương của tỉnh, nơi có những sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng đang tích cực rà soát, kiểm đếm xác định cụ thể sản lượng các loại nông, thủy sản trên địa bàn cần phải tiêu thụ trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, từ đó báo cáo các sở, ngành liên quan để kết nối tiêu thụ.

Ngoài việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, Sở Công thương còn căn cứ nhu cầu tiêu thụ ở từng địa bàn cụ thể, chỉ đạo các đơn vị cung ứng, phân phối tăng cường đưa các sản phẩm lương thực, thực phẩm đến được với người tiêu dùng, tuyệt đối không để khan hiếm các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Trọng Tài