Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định số 3058/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 ban hành chương trình hành động, trong đó xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.500 DN hoạt động. Tính đến nay, mục tiều đề ra đã hoàn thành, trong đó DN có quy mô lớn chiếm khoảng 1%, có nguồn lực mạnh, có khả năng cạnh tranh ở một số lĩnh vực: Chế biến lâm sản, sản xuất dược phẩm, chăn nuôi, kinh doanh bất động sản, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo…

Sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm tại địa phương ngày càng lớn. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt từ quý II, các DN đã bắt đầu chịu ảnh hưởng tác động do dịch Covid-19, tình trạng thiếu nguyên liệu, bị hủy đơn hàng, một số không ký được đơn hàng mới… diễn ra ngày càng nhiều nên dự kiến doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, nộp thuế sẽ không tăng, thậm chí giảm so với năm trước.

Triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1774 ngày 12/5/2020 về kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2020 của Đề án với kinh phí thực hiện 917 triệu đồng nhằm hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đó trọng tâm là xây dựng Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh nhằm thực hiện các chương trình về phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, kết nối các nguồn lực đầu tư: Nhà tư vấn, nhà đầu tư, doanh nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp, giao lưu học tập và phát triển các dự án khởi nghiệp.

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 35/NQ-CP, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ DN.

Tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng DN, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn.

Chỉ đạo và chịu trách nhiệm đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 23/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

Đôn đốc các cơ quan trực thuộc nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho DN.

Rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của DN.

Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các DN lớn, DN đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.

Đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước; bán vốn Nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho DN khu vực tư nhân phát triển.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: Đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường.

Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; thường xuyên chỉ đạo các sở, ban ngành tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của DN trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý để xử lý hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngay từ cuối năm 2019, Thanh tra tỉnh đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2020; đồng thời hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2020 bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng của Thanh tra Chính phủ và của ngành cấp trên, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, địa phương, trách chồng chéo, trùng lắp về nội dung, đối tượng thanh tra, trong đó có các DN.

Trong 6 tháng đầu năm, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid -19 theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2020, không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm, không tiến hành thanh tra về thuế đối với một số DN hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì, phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời có biện pháp không để DN lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi bất chính hoặc gây cản trở, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị, DN; chỉ tiến hành thanh tra đột xuất một số trường hợp vi phạm pháp luật. 

Lan Vy