Định hướng nghiên cứu Chương IV theo Tổ Biên tập sẽ giữ tối đa những quy định còn phù hợp tại Luật Thanh tra năm 2010 đưa vào những quy định trong Nghị định 86/2011 và trong Dự thảo Thông tư quy trình tiến hành một cuộc thanh tra (đang lấy ý kiến).

Mặt khác, sắp xếp lại các mục trong Chương IV, về cơ bản theo thứ tự của cuộc thanh tra.

Đại diện Tổ biên tập cho biết, về kết cấu Chương IV dự thảo gồm 9 mục, 23 điều (chưa tính nội dung về giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra và một số nội dung khác đang nghiên cứu.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận bàn bạc việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra, bổ sung từ các quy định về các bước chuẩn bị, thực hiện để xây dựng định hướng chương trình thanh tra nhằm hạn chế việc chồng chéo, trùng lắp trong kế hoạch thanh tra kiểm toán.

Các đại biểu cho rằng, phần giám sát, xử lý vi phạm đưa về chương này.

Tại chương này, vẫn giữ nguyên quan điểm tất cả các hoạt động thanh tra là do cơ quan thanh tra tiến hành và thống nhất chỉ dùng 2 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch được phê duyệt và thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao.

Về thẩm quyền ra quyết định thanh tra (Điều 41), các đại biểu cũng cho rằng tất cả các thủ trưởng cơ quan thanh tra đều có quyền thanh tra đột xuất (theo Chỉ thị 20), nhưng phải chịu trách nhiệm phát hiện được vi phạm và chịu trách nhiệm khi ra quyết định thanh tra.

Đối với Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thấy cần có cuộc thanh tra thì có thể tổ chức thanh tra hành chính, nhưng hoạt động thanh tra là thanh tra chuyên ngành.

Đối với các loại thời hạn thanh tra (Điều 44), các đại biểu nhấn mạnh thanh tra chuyên ngành thường có thời gian rất ngắn so với các cuộc thanh tra khác, nên cần quy định tên thanh tra (thanh tra tổng cục, thanh tra cục, thanh tra tỉnh).

Việc kéo dài thời gian thanh tra theo quy định khoản 1 (Điều 44) “cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày làm việc. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày làm việc” do người ra quyết định thanh tra quyết định.

Vấn đề này, các đại biểu cho rằng, nếu là thanh tra tỉnh cần gia hạn thì phải xin ý kiến của chủ tịch tỉnh; thanh tra bộ cần gia hạn thì xin ý kiến bộ trưởng. Loại vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ thì phải Thủ tướng ấn định về thời hạn ra quyết định thanh tra (tăng thêm thời gian báo cáo kết quả thanh tra, hoàn thiện kết luận thanh tra), còn thời hạn thanh tra giữ nguyên.

Đối với loại thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, hoàn thiện kết luận thanh tra mà do Thủ tướng giao thì Thủ tướng ấn định thời gian xây dựng báo cáo quả thanh tra, hoàn thiện kết luận thanh tra.  

Việc tạm dừng, tạm đình chỉ cuộc thanh tra thì cần phải có lý do về nội dung. 

Đình chỉ khi có vi phạm nhưng đã khắc phục hết. Về vấn đề này cần nghiên cứu đình chỉ và tạm đình chỉ trong tố tụng hình sự, hết thời hạn điều tra vụ án mà ko chứng minh được thì đình chỉ và đình chỉ khi cuộc thanh tra không còn ý nghĩa nữa. 

Trong trường hợp nếu rút đơn, mà đoàn thanh tra vẫn thấy cần phải thanh tra thì phải chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác. 

Đối với việc giám định trong thanh tra theo các đại biểu cần làm rõ những nội dung gì cần giám định và phải trưng cầu giám định như thế nào; thẩm quyền giám định. Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý Nhà nước về lĩnh vực đó, thì được yêu cầu cơ quan đó thẩm định. Ví dụ Bộ Xây dựng là cơ quan có trách nhiệm giám định về xây dựng…

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng,  thực tế nhiều cơ quan Nhà nước không đủ công cụ để làm giám định mà có những tổ chức tư nhân làm rất tốt về công tác giám định. Tuy nhiên, nếu bên giám định là Nhà nước thì không phải trả tiền, còn giám định tư nhân thì phải trả tiền. Cần nghiên cứu thêm về các nội dung của Luật Giám định tư pháp để xem vận dụng vào những nội dung liên quan.

Về việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 85) - Xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định về xử lý thanh tra. Đối với nội dung này, luật cần phải phân biệt thực hiện yêu cầu thanh tra là yêu cầu gì.

Trong kết luận thanh tra đều có các kiến nghị là thu tiền, giảm trị quyết toán và xử lý kỷ luật về người.

Trong trường hợp không thực hiện các kiến nghị  thì cần làm rõ trong luật chế tài về kinh tế và con người. Đối với việc chậm nộp, không nộp, không thực hiện các kiến nghị thì luật phải có cơ chế thu luôn.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra đánh giá cao tinh thần làm việc của Tổ biên tập. Đồng thời yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến thảo luận về những vấn đề liên quan đến Chương IV - Hoạt động thanh tra để hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi.

Thái Hải