Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Vũ Văn Đốc cho biết: Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Cùng năm 2017, có 21 quốc gia bị EC rút thẻ vàng, 6 quốc gia bị rút thẻ đỏ. Đến nay, chỉ còn 3 quốc gia chưa gỡ được thẻ đỏ, 7 quốc gia chưa gỡ được thẻ vàng trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân bị EC rút thẻ vàng chống khai thác IUU đối với ngành Thủy sản Việt Nam, đó là: Việt Nam còn thiếu một hệ thống pháp lý quy định đầy đủ, thống nhất về quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển hiện nay.

Việc EC rút thẻ vàng đã gây ra nhiều tổn thất và hệ lụy không chỉ đối với ngành Thủy sản Việt Nam, mà còn gây ra những thiệt hại và tổn thất khác khó đo đếm bằng giá trị vật chất. 

Cho dù đến thời điểm này, hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU chưa bị dừng hẳn, nhưng đang có dấu hiệu giảm khá rõ. 

Trước khi thẻ vàng IUU được áp dụng, EU là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị nhập khẩu khoảng gần 1 tỷ USD.

Sau hơn 4 năm EC áp dụng thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp giảm theo. Giá trị xuất khẩu hải sản vào EU liên tục giảm năm 2017 giảm 6%, 2019 giảm 12%, 2020 giảm 6%. Thị trường EU nhập khẩu hải sản của Việt Nam đang từ vị trí thứ 2 nay đứng thứ 5 trong các thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Nếu thẻ vàng không được gỡ, giá trị xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ còn giảm tiếp, do các biện pháp kiểm tra ngày càng nghiêm ngặt của EU. Cùng với đó, các nhà nhập khẩu EU cũng không muốn tiếp tục nhập khẩu hàng từ Việt Nam do lo ngại về nguồn gốc, cũng như các rắc rối pháp lý khác có thể vướng phải từ hàng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam.

Còn nếu trong tình huống xấu nhất mà EC áp dụng thẻ đỏ, mọi hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU sẽ bị cấm và thị trường EU sẽ đóng cửa nhập khẩu hải sản của Việt Nam, nguy cơ gây hiệu ứng “Domino” trong hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường khác trên thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tích cực hành động một cách quyết liệt theo khuyến cáo, yêu cầu của EC, qua đó mong muốn EC gỡ thẻ vàng với hải sản Việt Nam.

Về mặt pháp lý, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017 và 2 nghị định của Chính phủ, 8 thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT đã quy định khá đầy đủ các nội dung về chống khai thác IUU.

28 tỉnh và thành phố đã tiến hành rà soát và lắp đặt các thiết bị giám sát tàu cá. Tuy nhiên, theo báo cáo và thực tế kiểm tra thì tốc độ lắp đặt ở các địa phương là không đồng đều, có nhiều địa phương chưa hoàn thành theo quy định.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hoàng Thị Mai, Hải Phòng là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, thị trường tiêu thụ và chế biến sản phẩm thủy hải sản là rất lớn, có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển; thủy hải sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, xã hội, chính trị an ninh quốc phòng của địa phương.

Hải Phòng có 6 cảng và 8 khu neo đậu tránh trú bão, kết hợp cảng cá, rất thuận tiện cho tàu của Hải Phòng và các tàu của các địa phương khác khai thác tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ vào neo đậu tránh trú bão.

Hiện nay, Hải phòng đã thành lập 70 tổ, đội khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản trên biển, 01 tập đoàn đánh cá, 01 nghiệp đoàn nghề cá với tổng số 11.420 lao động, 50 cơ sở chế biến thủy sản, 74 kho lạnh chuyên bảo quản nông, lâm thủy sản…

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản đến 18/10/2021, Hải Phòng có 1.061 tàu cá hoạt động khai thác thủy hải sản, trong đó tàu từ 6 -12 m là 331 tàu; tàu từ 12 m đến dưới 15 m là 367 tàu; tàu trên 15 m là 363 tàu.

Để gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản; kiện toàn Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU. Ban hành Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 về chính sách hỗ trợ lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

Chia sẻ về công tác thanh tra, kiểm tra chống khai thác IUU, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Trần Huy Toản cho biết: Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tác động tích cực tới công tác quản lý thực thi Luật Thủy sản, góp phần vào công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo qui định IUU.

Tại các cơ sở kinh doanh, sơ chế nông sản, thủy sản, các cơ quan, đơn vị quản lý kiểm tra việc chấp hành các qui định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Nhà xưởng, trang thiết bị an toàn không gây ô nhiễm, gây độc hại, yêu cầu cơ sở khắc phục tồn tại nếu có.

Tại các cảng cá, kiểm tra trách nhiệm của cảng cá và ngư dân trong việc tiếp nhận, ghi chép, thu nộp nhật ký, báo cáo khai thác, sản lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là nội dung trong chống khai thác IUU.

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá trên địa bàn thành phố.

Phối hợp với Phòng Kỹ thuật Sở NN&PTNT, Bộ đội biên phòng, quận, huyện kiểm tra ngăn chặn, xử lý tàu mất kết nối. Làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp thiết bị, của ngư dân trong việc duy trì kết nối, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, ngư dân nhận thức và thực hiện đúng các qui định của pháp luật để thực hiện khai thác đánh bắt hải sản bền vững có trách nhiệm theo luật pháp Việt Nam và các qui định quốc tế. Qua đó, các nội dung chống khai thác IUU sẽ được thực hiện tích cực. 

Kim Thành

Kim Thành