Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Đức Cường cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Hơn 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học tập trực tuyến trong điều kiện hạ tầng không đồng bộ, hạn chế, bất cập giữa các địa phương, nhà trường... gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực cho các nhà trường, gia đình.

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, dự kiến còn có thể kéo dài, Bộ GDĐT đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Bộ đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Không tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đối với cấp học mầm non.

Bộ đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học; điều chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tập trung dạy và học nội dung cốt lõi các môn học trong điều kiện phòng, chống dịch; hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp...

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về bảo đảm các điều kiện an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại, Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy học, đồng thời hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp an toàn trong dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; phối hợp với Bộ Y tế ban hành Sổ tay phòng chống Covid-19 và tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học.

Đồng thời đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Trong đó, lưu ý ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ an toàn phòng chống dịch trong tình hình mới.

Các địa phương căn cứ vào đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh tới trường trên nguyên tắc nơi nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập…

Về việc triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học.

Đối với công tác thanh tra, ông Cường cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thanh tra Bộ GDĐT đã kịp thời có những điều chỉnh nhiệm vụ để phù hợp tình hình thực tế và bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị.

Theo ông Cường, tại thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát mạnh, Thanh tra Bộ GDĐT đã chủ trì triển khai các cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch thanh tra năm 2021. Cùng với đó là tổ chức triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2020. Khi dịch bệnh phức tạp, Thanh tra Bộ GDĐT đã chuyển hướng tập trung rà soát, đề xuất xử lý tuyển sinh trình độ đại học, trình độ thạc sĩ vượt chỉ tiêu năm 2020, rà soát cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở ngành giai đoạn 2019 đến nay để báo cáo lãnh đạo bộ chỉ đạo, xử lý.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị thuộc Bộ.

Trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ đã phối hợp với các đơn vị rà soát, giải quyết dứt điểm và báo cáo lãnh đạo bộ những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “hạn chế tối đa các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch”, Thanh tra Bộ đã tham mưu lãnh đạo bộ điều chỉnh kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo về phạm vi/thời gian/đối tượng kiểm tra, bao quát các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GDĐT.

Đồng thời, tăng cường công tác nắm bắt thông tin, báo cáo, giải trình về tổ chức và hoạt động giáo dục của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý để có biện pháp xử lý phù hợp.

Thanh tra Bộ đã tiến hành rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 để đề xuất Bộ trưởng điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi. Trình lãnh đạo Bộ cho dừng, huỷ, lùi thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đã có quyết định thanh tra, kiểm tra cũng như chủ động bố trí, phân công lãnh đạo thanh tra, công chức thanh tra làm việc trực tuyến và trực tiếp phù hợp, bảo đảm vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thực hiện nhiệm vụ có chất lượng, đúng tiến độ.

Ông Cường cũng cho biết, kết quả đạt được của Thanh tra Bộ GDĐT thời gian qua đã góp phần vào kết quả chung của toành ngành Giáo dục. Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Thanh tra Bộ GDĐT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong hoạt động quản lý Nhà nước về giáo dục trong tình hình mới khi dịch bệnh Covid-19 tác động rất mạnh đến tính chất, đặc thù của hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Tiếp tục triển khai thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT ngày 20/12/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường thanh tra giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; Chỉ thị số 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và tự chủ giáo dục ĐH.

Tập trung thanh tra, kiểm tra việc đổi mới giáo dục phổ thông; triển khai thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của bộ, ngành, địa phương theo phân công, phân cấp của Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Phương Hiếu