Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nói riêng. Nhiều doanh nghiệp phải dừng, tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có Quyết định số 1616 ngày 19/6/2020 về việc ban hành kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, hàng hóa trong và sau dịch bệnh Covid-19; Công văn số 8044 ngày 23/12/2020 chỉ đạo các đơn vị, cục hải quan các tỉnh, thành phố định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong năm 2021; trình Bộ Tài chính kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Hải quan năm 2021.

Ngay khi kế hoạch thanh tra được phê duyệt, cơ quan hải quan đã chủ động có văn bản thông báo kế hoạch thanh tra và dự kiến thời gian thanh tra đến từng doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động được thời gian, nhân lực và kế hoạch để chấp hành tốt việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan hải quan nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Nhiều vụ vi phạm về thuốc chữa Covid-19 đã được lược lượng Hải quan phát hiện xử lý. Ảnh: TQ

+ Kết quả cụ thể đạt được thế nào, thưa ông?

- Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ của ngành để tiến hành thu thập, phân tích dữ liệu, số liệu đối với các doanh nghiệp, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm đối với từng đối tượng thanh tra từ đó rút ngắn thời gian thanh tra thực tế tại doanh nghiệp, giảm số lượng cán bộ công chức tham gia đoàn, qua đó đảm bảo được công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả trong công tác thanh tra.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã đổi mới phương pháp kiểm tra bằng việc triển khai sử dụng hệ thống camera giám sát tại các cửa khẩu để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trực tuyến. Riêng qua công tác kiểm tra giám sát trực tuyến đã kiến nghị truy thu số tiền trên 136 tỷ đồng. Việc đổi mới phương pháp kiểm tra đã giúp giảm thiểu tối đa việc đi công tác của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo hoạt động nghiệp vụ hải quan được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan đã thực hiện 4 cuộc thanh tra chuyên ngành; các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện 20 cuộc; truy thu và xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 61,7 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2021 của Tổng cục Hải quan và các cục hải quan tỉnh, thành phố, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT- TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, ban hành Công văn số 3673 ngày 21/7/20201 về việc thực hiện một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong đó có nội dung tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra tại 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch.

leftcenterrightdel
 Một vụ lưu thông đồ bảo hộ phòng Covid-19 không có xuất xứ đã bị lực lượng liên ngành phát hiện, xử lý. Ảnh: TQ
  

+ Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến trình trạng ách tắc hàng hóa cục bộ tại một số cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu. Ông có thể cho biết, để vừa bảo đảm công tác lưu thông hàng hóa thông suốt vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã triển khai những giải pháp nào?

- Để vừa bảo đảm công tác lưu thông hàng hóa thông suốt vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn như:

Thực hiện thông quan nhanh đối với xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam, nhất là mặt hàng hoa quả khi vào chính vụ (thanh long, chuối…), tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu và đảm bảo đúng quy định; chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp như: Chấp nhận C/O Scan, chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan; cho phép doanh nghiệp được đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt (như thuốc, vắc xin, sinh phẩm…) về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp. Hỗ trợ thông quan hàng hóa phòng chống dịch Covid-19 nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc nộp hồ sơ hải quan của tờ khai hải quan điện tử.  

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo hải quan địa phương thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

leftcenterrightdel
  Gắn công tách thanh tra, kiểm tra với phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Ảnh: TQ

+ Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung và ngành Hải quan nói riêng. Tổng cục Hải quan đã có kế hoạch ứng phó thế nào trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thưa ông?

- Thời gian tới, Tổng cục Hải quan dự kiến thực hiện một số giải pháp trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành như sau:

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.

Về thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong những tháng cuối năm 2021, Tổng cục sẽ báo cáo Bộ Tài chính kế hoạch điều chỉnh Kế hoạch thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Hải quan và các cục hải quan các tỉnh, thành phố theo hướng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp đã và đang trong vùng tâm dịch Covid-19 thuộc các tỉnh, thành phố: TP Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu…

Chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 theo hướng: Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp từ kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị, địa phương sang sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin như hệ thống camera giám sát, hệ thống soi chiếu di động… tại các cửa khẩu để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trực tuyến.

Đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan để tiến hành thu thập, phân tích dữ liệu, số liệu đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, qua đó, lựa chọn được chính xác các doanh nghiệp có rủi ro cao, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm để đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Giảm số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch, chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan, trong trường hợp cần thiết; Tăng cường công tác giám sát, theo dõi đối với các doanh nghiệp, nhóm ngành hàng có mức độ rủi ro cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận để tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy trình, quy chế trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hải quan đáp ứng yêu cầu không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Giải quyết nhanh, kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại của doanh nghiệp.

+ Xin cảm ơn ông!

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trần Quý (thực hiện)