Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra cho biết: Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên (TTV), thanh tra viên chính (TTVC), thanh tra viên cao cấp (TTVCC) được Tổng Thanh tra phê duyệt và triển khai giảng dạy từ năm 2009. Qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện và cập nhật, chỉnh sửa, Trường Cán bộ Thanh tra đã đào tạo hàng vạn lượt cán bộ, công chức thanh tra góp phần nâng cao năng lực, trình độ và chuẩn hóa chức danh cho đội ngũ cán bộ của ngành.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra trong giai đoạn hiện nay, hệ thống giáo trình của trường đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi mà thực tế đặt ra.

Những hạn chế lớn nhất của bộ giáo trình thuộc 3 hệ TTV, TTVC, TTVCC hiện nay liên quan đến các nội dung mới chủ yếu dừng ở việc cập nhật kiến thức mà chưa có nhiều chuyên đề đào tạo kỹ năng; thiếu tính đồng bộ, liên thông giữa các chương trình của cả 3 hệ đào tạo; thời gian đào tạo và phương pháp giảng dạy còn chưa hợp lý, ít thời gian thảo luận và gần như không có phần thực hành, xử lý các tình huống.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo 

Trên cơ sở nghiên cứu khảo sát nhu cầu thực tế tại một số bộ, ngành, địa phương, tham khảo ý kiến của các học viên, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của Malaysia, Hàn Quốc và một số quốc gia khác về đào tạo, Trường Cán bộ Thanh tra sẽ chỉnh sửa tổng thể chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra thuộc các hệ nói trên theo 5 nguyên tắc.

Chương trình sau khi được chỉnh sửa phải đáp ứng được yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong tình hình mới, đáp ứng các mục tiêu được nêu ra trong Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đảm bảo vừa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, vừa bồi dưỡng kiến thức và kĩ năng giữ gìn sự liêm chính và đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra; chương trình sửa đổi phải bao hàm cả nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và đào tạo những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ thanh tra; kế thừa những nội dung còn phù hợp của giáo trình hiện hành, đồng thời có sự bổ sung, chỉnh sửa theo hướng bảo đảm tính thống nhất, tính thứ bậc theo đối tượng học viên và tính lôgic của toàn bộ chương trình; ngoài ra, việc chỉnh sửa, hoàn thiện giáo trình phải gắn với việc đổi mới phương pháp, cách thức dạy và học.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp phân tích những khó khăn, thuận lợi của thanh tra các bộ, ngành, địa phương trong việc cử cán bộ đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường Cán bộ Thanh tra cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ bất cập, khó khăn.

Ông Ngô Đức Thắng, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao việc Trường Cán bộ Thanh tra xây dựng khung chương trình và các tài liệu. Khung chương trình thể hiện tính hợp lý của từng chuyên đề, đó là sự liên thông, xác định được điểm mà TTV học được như xây dựng báo cáo, kế hoạch và những yêu cầu của TTVC là những trưởng đoàn điều hành các hoạt động của đoàn thanh tra hay đối với TTVCC là những lãnh đạo đưa ra chiến lược của người lãnh đạo cơ quan thanh tra.

Nhất trí với thiết kế về thời lượng của khung chương trình, đại diện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong quá trình giảng dạy cần có sự trao đổi trong nhóm và giao nhiệm vụ cho các học viên để học viên hoàn thành nhiệm vụ và chủ động trong việc tiếp thu, tránh tuyền đạt, trình bày một chiều.

Song song với đổi mới phương pháp giảng dạy, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đạo tạo đề xuất Trường Cán bộ Thanh tra cần tổ chức đổi mới cách thi sống động hơn để học viên chủ động, tránh dàn trải, tránh tình trạng học viên phải viết 2/3 trang giấy trong cuộc thi để việc xử lý bài thi hiệu quả, qua đó có đánh giá học viên một cách hiệu quả hơn.

Nhấn mạnh đến việc học tập mô hình kinh nghiệm của các nước, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn Cao Minh Tuấn cho cho rằng, việc học tập mô hình sẽ trang bị cho học viên những kỹ năng cần thiết trong xử lý tình huống đơn thư tại đơn vị một cách hiệu quả hơn, nhất là việc nắm bắt được tâm lý của người dân trong giải quyết từng vấn đề như đất đai và các chính sách xã hội...

Đại diện Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đề xuất nên kéo dài thời lượng học đối với TTV vì đây là lực lượng phải đi xác minh trực tiếp, giải quyết khiếu nại, đối thoại, chuẩn bị chương trình cho Trưởng đoàn, trên cơ sở đó họ phải có những kiến thức, thông tin sát sườn hơn, thực tế hơn, tích lũy kinh nghiệm và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh khẳng định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vai trò đặc biệt trong phát triển của ngành Thanh tra.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh nhấn mạnh, do đặc thù ngành Thanh tra phải cọ sát với nhiều lĩnh vực, công việc mang tính chất phức tạp, vì vậy, người làm công tác thanh tra phải đề cao tính liêm khiết, đạo đức nghề nghiệp và yêu cầu được trang bị trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.

Theo Phó Tổng Thanh tra, việc sửa đổi mới, xây dựng khung chương trình thực hiện phải trên nguyên tắc đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao các chuyên đề, vấn đề đạo đức công vụ và liêm chính trong thực hiện công việc.

Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh lưu ý Trường Cán bộ Thanh tra cần tăng cường tương tác trong quá trình học, chú trọng các bài tập tình huống và lấy ý kiến của các chuyên gia. Trên cơ sở khung kiến thức nền để tạo môi trường thực tiễn cho học viên được thực hành…

Phương Anh