Ngày 15/7, Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh đã chủ trì cuộc họp về dự thảo nội dung quyết định phê duyệt Đề án.

Nâng cao tính khách quan, trung thực, khả thi của các kết luận

Trình bày tại cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, dự thảo quyết định phê duyệt Đề án có mục tiêu phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, phạm vi, nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), phù hợp với thẩm quyền quản lý theo cấp hành chính và theo ngành, lĩnh vực.

Mặt khác, dự thảo cũng có mục tiêu đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN, tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất, đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN; kiện toàn tổ chức, nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp của các chủ đề có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán DNNN được nâng cao; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Đặc biệt là nâng cao tính khách quan, trung thực, kịp thời, khả thi của các kết luận, kiến nghị từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN. Đảm bảo đến năm 2025, 95% kết luận, kiến nghị từ hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được thực hiện nghiêm túc.

Tập trung vào giám sát, kiểm tra việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, phá sản, chuyển giao DNNN

Theo ông Khanh, để thực hiện được những mục tiêu đó, Dự thảo Đề án cũng đưa ra các giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật mà điểm chính là rà soát, sửa đổi, bổ sung, quy định thống nhất về thẩm quyền, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN; 

Hoàn thiện quy định về phạm vi, nội dung, phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát đối với DNNN, trong đó nhấn mạnh quy định chi tiết nội dung giám sát, kiểm tra DNNN, tập trung vào giám sát, kiểm tra việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản, chuyển giao DNNN; trong giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của DNNN; hoàn thiện quy định về phương thức giám sát kiểm tra thanh tra phù hợp với từng loại hình DNNN; đảm bảo DN đó Nhà nước nắm giữ 100% vốn chịu sự giám sát kiểm tra, thanh tra toàn diện trong việc chấp hành các quy định của pháp luật...

Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung hoàn thiện quy định về thanh tra trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý DN đối với DNNN do mình là đại diện chủ sở hữu.

Ngoài ra, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm của các chủ thể có thẩm quyền quản lý và giám sát kiểm tra thanh tra DNNN.

Đặc biệt, Đề án cũng nhấn mạnh cần tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kết luận, kiến nghị từ hoạt động kiểm toán nhà nước.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra hoạt động của DNNN thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt là giám sát giai đoạn chuẩn bị phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có nguồn vốn của DNNN, định kỳ đánh giá việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư của DN; kế hoạch kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định rõ DN là đối tượng kiểm tra, thanh tra, phạm vi, nội dung kiểm tra, thanh tra.

Cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung kết quả kiểm tra

Dự thảo Đề án cho rằng, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra đối với DNNN do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước hoặc cán bộ, ngành là đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm gửi dự thảo kế hoạch kiểm tra, thanh tra về Thanh tra Chính phủ để rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lặp.

"Trường hợp phát hiện có chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, phạm vi, nội dung, thời gian kiểm tra, thanh tra, Thanh tra Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì tiến hành kiểm tra, thanh tra và cơ quan phối hợp và kịp thời thông tin cho cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch trước khi phê duyệt kế hoạch" - ông Khanh nhấn mạng.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra trong tiến hành giám sát, kiểm tra thanh tra DNNN. Khi cần thiết, cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp giám sát kiểm tra DNNN. Cơ quan được đề nghị phối hợp có trách nhiệm cử người tham gia.

Trong trường hợp kết quả kiểm tra chưa đủ để đánh giá thực trạng của doanh nghiệp, kết luận về hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì người ra quyết định kiểm tra tiến hành thanh tra theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thanh tra. Cơ quan có thẩm quyền thanh tra được kiến nghị phải xem xét, ra quyết định thanh tra theo thẩm quyền.Trường hợp không ra quyết định thanh tra thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không ra quyết định thanh tra.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm sang cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phối hợp với các cơ quan điều tra để xử lý vụ việc.

Mặt khác, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra mọi thông tin, phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN, chịu trách nhiệm về kết quả xử lý theo thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra chịu trách nhiệm về nội dung kết luận kiểm tra, thanh tra.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra các giải pháp như kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN; thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN; phát huy vai trò của xã hội trong hoạt động giám sát, kiểm tra DNNN

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự cơ bản đồng ý các nội dung dự thảo quyết định phê duyệt Đề án về tên gọi, mục tiêu cũng như các giải pháp đưa ra trong đề án. Tuy nhiên, cũng cần giải thích một số thuật ngữ, câu chữ rõ ràng để Đề án được hoàn thiện hơn.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh yêu cầu Ban Soạn thảo, Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án.

 

 

Thái Hải