Theo ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT), để có cơ sở xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học với thực tiễn, Viện CL&KHTT đã đề xuất lãnh đạo TTCP ký công văn gửi các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu - đào tạo, chuyên gia, nhà khoa học đề nghị phát hiện, đề xuất vấn đề nghiên cứu năm 2021.

Đến hết tháng 4/2020, TTCP đã nhận được 70 đề xuất nghiên cứu trên các lĩnh vực thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; quản trị tốt và kiểm soát quyền lực.

Trước đó, do yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hội đồng Khoa học TTCP không có điều kiện họp trực tiếp để thảo luận, lựa chọn nhiệm vụ nghiên cứu, Viện CL&KHTT với vai trò tham mưu cho Tổng Thanh tra về nhiệm vụ nghiên cứu, đồng thời là thường trực của Hội đồng Khoa học đã tổ chức xin ý kiến thành viên Hội đồng lựa chọn nhiệm vụ nghiên cứu theo các tiêu chí: Tính cấp thiết; tính trùng lặp; mức độ xác định của đối tượng nghiên cứu; mức độ rõ ràng của mục tiêu, nội dung nghiên cứu; tính khả thi của nhiệm vụ nghiên cứu.

“Trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng Khoa học, Viện CL&KHTT đã tập hợp, thảo luận khách quan, dân chủ, nghiêm túc và báo cáo Tổng TTCP”, Viện trưởng Viện CL&KHTT khẳng định.

Theo đó, có 70 đề xuất nghiên cứu, trong đó có 51 đề xuất cấp bộ, 19 đề xuất nghiên cứu cấp cơ sở. Số đề xuất không được chấp nhận trở thành nhiệm vụ nghiên cứu do trùng lặp, không cấp thiết, không phù hợp với định hướng nghiên cứu của TTCP, không bảo đảm các tiêu chí về đối tượng, nội dung, mục tiêu, phạm vi nghiên cứu và tính khả thi là 31 đề xuất. Bên cạnh đó, có 18 đề xuất được chấp nhận trở thành nhiệm vụ nghiên cứu sau năm 2021; 21 đề xuất ưu tiên đưa vào kế hoạch nghiên cứu năm 2021 do tính cấp thiết cao.

Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho rằng, Viện CL&KHTT chuẩn bị nội dung cho cuộc họp này khá chu đáo, cách làm rất tốt, đã mở rộng phạm vi để đưa ra các đề tài trình Hội đồng Khoa học. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc mỗi tên các đề tài thì cũng khó đánh giá, có thể vấn đề cũ, cách nhìn mới thì cũng rất hay. Có thể nghiên cứu đề tài nào trước, đề tài nào sau.

Trong 11 đề tài cấp bộ đều có thể nghiên cứu được hết, trong số đó, ông Minh cho rằng, đề tài “Kiểm soát hoạt động thanh tra” là rất cần thiết, là một trong những trụ cột để giúp ích cho việc sửa đổi Luật Thanh tra; đề tài “Vai trò của mạng xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”, “Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng” là những đề tài hay, rất cần nghiên cứu.

Đồng tình với ý kiến của ông Đinh Văn Minh, một số thành viên Hội đồng Khoa học cho rằng, sắp tới sửa Luật Thanh tra, vì vậy, các đề tài cần tập trung vào lĩnh vực liên quan tới thanh tra.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học TTCP Trần Văn Minh cho rằng, ý kiến của các thành viên Hội đồng rất sát, trúng và đúng.

Phó Tổng TTCP cũng yêu cầu Viện CL&KHTT - đơn vị thường trực tổng hợp các ý kiến để nghiên cứu, xem xét đưa đề xuất để trình Tổng TTCP phê duyệt.

Thái Hải