Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Việt Trung, phường Trường Thọ hoan nghênh việc Quốc hội đã thông qua  cơ sở pháp lý cho việc thành lập Thành phố Thủ Đức. Đây là tin rất vui bởi cử tri kỳ vọng về một đô thị Thủ Đức hiện đại, là động lực phát triển của thành phố.

Theo cử tri Trần Việt Trung, việc lãnh đạo TP.HCM cần làm ngay lúc này là chỉnh trang đô thị, nâng cao đời sống nhân dân; cho người dân thấy được lợi ích của việc sáp nhập, ví dụ như người dân khi bị bệnh có thể đến 3 bệnh viện cấp quận để chữa trị tuỳ theo điều kiện…

Cử tri Trần Việt Trung cũng cho rằng, khi sáp nhập sẽ dôi dư một số cán bộ nên cần phải xem đây là dịp để chọn lọc cán bộ: "Trong nhiệm kỳ vừa qua chúng ta mất rất nhiều cán bộ rồi, đảng viên có, cán bộ trong các ban, ngành, sở. Cho nên việc thành lập Thành phố Thủ Đức là thời điểm rất tốt để thanh lọc lại toàn bộ cán bộ nằm trong Thành phố Thủ Đức".

Vấn đề tiếp công dân cũng được cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc. Theo cử tri Nguyễn Thanh Liêm, cần công khai lịch tiếp công dân của lãnh đạo các cấp. Công tác tiếp dân cần phải thay đổi, thực chất hơn, người dân cần gặp trực tiếp lãnh đạo chứ không phải chỉ được gặp cán bộ tiếp dân…

Cử tri Nguyễn Thanh Liêm thẳng thắn phê phán công tác tiếp công dân.

Tham gia trả lời cử tri, ông Trương Trung Kiên – Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, việc tiếp công dân quận thực hiện đăng ký qua đơn, đăng ký trực tiếp và Ban Tiếp công dân của quận ghi nhận. Trừ trường hợp đột xuất, chủ tịch quận luôn trực tiếp làm việc với người dân để giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội của TP.HCM cũng trả lời một số thắc mắc của người dân một số vấn đề như: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.HCM; Tình hình phòng chống Covid-19, nhất là trong bối cảnh xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, nếu không kiểm soát tốt Covid-19 tại TP.HCM thì kinh tế cả nước sẽ bị ảnh hưởng, bởi đây là đầu tàu kinh tế cả nước./.

Theo Vov.vn