Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ TTCP; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đảng bộ TTCP đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào TTCP nói riêng và ngành Thanh tra nói chung.

Đảng bộ TTCP với quyết tâm chính trị cao đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; chủ động triển khai các chủ trương, nghị quyết của cấp trên; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên; triển khai thực hiện tốt mục tiêu do Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Bên cạnh công tác xây dựng đảng, Đảng uỷ TTCP đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng TTCP trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, nhất là trong công tác thanh tra.Thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, TTCP đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra. Hàng năm, trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), TTCP đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó, có văn bản hướng dẫn thanh tra bộ, thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra trình người có thẩm quyền quyết định phê duyệt. Đồng thời, TTCP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác thanh tra; tăng cường sự phối hợp để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chỉ đạo toàn ngành bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước và các quy định của pháp luật để triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch, đồng thời, tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh tra.

TTCP đã triển khai các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trên những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. TTCP đã ban hành 117 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm 134.292 tỷ đồng, 31.923ha đất; kiến nghị thu hồi 62.423 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm, xử lý nhiều tập thể, cá nhân vi phạm; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 41 vụ việc, 61 đối tượng; chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm theo quy định của Đảng; kiến nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật. Trong đó, có nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm, như: việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; Dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc đầu tư nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; việc quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh; việc quản lý và sử dụng đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng; việc giải quyết tố cáo về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường Đại học Ngoại thương... Các kết luận thanh tra được công khai theo đúng quy định của pháp luật đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và dư luận.

Công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận cũng như theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra được quan tâm và đạt nhiều kết quả. TTCP đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 124 kết luận và việc xử lý sau thanh tra, thu hồi 26.511 tỷ đồng (đạt 78%), 10.530ha đất (đạt 81%), đôn đốc xử lý 1.354 tập thể, 5.277 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 68 vụ, 165 đối tượng. Việc xử lý sau thanh tra, thu hồi tiền, tài sản vi phạm phát hiện qua các cuộc thanh tra do TTCP tiến hành đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Bên cạnh đó, TTCP còn tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn toàn ngành thực hiện; đã tiến hành sơ kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; qua đó góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Có thể nói, trong 5 năm qua, Đảng ủy TTCP và cấp ủy Đảng đã chủ động phối hợp với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó, công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm và đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong việc làm rõ các vụ việc dư luận quan tâm để xử lý theo pháp luật nghiêm minh, kịp thời được dư luận đánh giá cao, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong thời gian tới, để phát huy, nâng cao vai trò, hiệu quả công tác thanh tra, TTCP tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:

Trước hết, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, gắn công tác thanh tra với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thứ hai, đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra; nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra. Kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời, kiến nghị có tính khả thi; chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra của Đảng để tiến hành kiểm tra, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm theo thẩm quyền. Quan tâm thực hiện việc công khai các kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật để cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, giám sát và thực hiện.

Thứ ba, tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, tập trung áp dụng các biện pháp thu hồi tiền, tài sản, đất đai về cho Nhà nước, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra.

Thứ tư, quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ thanh tra, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra. Chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ thanh tra; xây dựng người cán bộ thanh tra có đạo đức, có văn hóa, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; kịp thời khen thưởng, biểu dương các đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động thanh tra.

Bùi Ngọc Lam

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ