Dự buổi công bố kết luận thanh tra có đoàn thanh tra; phó chủ tịch UBND các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang.

Ông Phạm Hùng, Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực I (Cục I) cho biết, ngày 04/6/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 856/KL-TTCP về việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang và Tuyên Quang (giai đoạn 2011-2017). Kết luận thanh tra đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý tại Văn bản số 5047/VPCP-V.I ngày 23/6/2020 của Văn phòng Chính phủ

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các vi phạm kéo dài tại các tỉnh như: việc nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã khai thác; không thực hiện nghiêm túc quy định về quan trắc môi trường; không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khi hết hạn Giấy phép khai thác khoáng sản...); ngoài ra, Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) của các tỉnh hoạt động không thống nhất, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMT địa phương.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang và Tuyên Quang tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại, khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

 Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý phù hợp đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh nhận định: Đến nay, có nhiều địa phương đã khắc phục được hạn chế khuyết điểm của mình, các ý kiến, kiến nghị của đoàn thanh tra đã được các địa phương tiếp thu và thực hiện.

Phó Tổng Thanh tra đề nghị, các địa phương tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được kết luận chỉ ra như: Việc xây dựng về bảo vệ môi trương theo BVMT đã được phê duyệt, cải tạo môi trường, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành nhưng đã khai thác; về quan trắc môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khi hết hạn Giấy phép khai thác khoáng...

“Có thể ở đâu đó có khó khăn trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém thì các tỉnh cứ chủ động báo cáo những khó khăn vướng mắc và tự mình đưa ra thời hạn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến trong quý 3/2020 xử lý dứt điểm theo yêu cầu của Thủ tướng” - Phó Tổng Thanh tra nói.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng phải báo cáo kết quả tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đã để xảy ra các tồn tại, khuyết điểm, sai phạm mà Kết luận thanh tra đã kiến nghị.

”Nhìn chung, trên địa bàn 6 tỉnh, ở đâu cũng có khá nhiều vi phạm. Tuy nhiên, không có vi phạm nào trầm trọng quá mức để Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, không đến mức Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng xử lý cá nhân nào” - Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Phó Tổng Thanh tra lưu ý, các tỉnh cần nhìn nhận và đánh giá lại một cách nghiêm túc về hoạt động quản lý Nhà nước về  khai thác khoáng sản nói chung và BVMT trong tài nguyên khoáng sản nói riêng.

”Có nhiều vi phạm làm xấu đi môi trường sống trên địa bàn 6 tỉnh như về rừng, về chất thải, phục hồi môi trường. Bức tranh khai thác khoáng sản dưới góc độ BVMT ở miền núi phía Bắc không tốt lắm” - Phó Tổng Thanh tra nói.

Ngoài ra, căn cứ vào kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra đề nghị các tỉnh khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ  và chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5047/VPCP-V.I ngày 23/6.

Thái Hải