Tước trên 44.800 giấy phép lái xe

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục Trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác thanh tra, kiểm tra, của Tổng cục ĐBVN đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong quản lý, bảo trì đường bộ; quản lý hoạt động vận tải; quản lý, đào tạo sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe; đặc biệt là công tác kiểm soát tải trọng xe, cơi nới kích thước thùng hàng.  

5 năm qua, các trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 1.385.114 xe, trong đó có 123.511 xe vi phạm, tước 43.441 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 1.169 tỷ đồng.

Lực lượng Công chức Thanh tra các Cục quản lý đường bộ (QLĐB) đã tiến hành kiểm tra 2.707 xe, trong đó có 2.647 xe vi phạm, tước 1.374 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 60 tỷ đồng.

Theo ông Huyện, mặc dù Tổng cục ĐBVN đã có nhiều kết quả giải pháp trong công tác kiểm soát tải trọng xe nhưng vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ (QL): QL1, QL2, QL3, QL5, QL6, QL10, QL14, QL18, QL19, QL20, QL32, QL37, QL51, QL70, QL279, đường Hồ Chí Minh… và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa… tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa...

Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục do cần phải có sự phối hợp với các sở, ngành của địa phương, dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm.

Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và các quy định về vận tải đường bộ chưa nghiêm. Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ KTTTX hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện…

leftcenterrightdel
Hoạt động của các trạm KTTTX lưu động cũng bị quá tải. Ảnh: TQ 

 

Trong khi các chế tài để xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, thiết bị cân kiểm tra tải trọng phương tiện còn thiếu, chưa kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường có xe chở hàng quá tải lưu thông.

Kinh phí cấp chi cho hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện của các Sở GTVT, các Cục QLĐB, các Trạm KTTTX rất thấp; các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, điều kiện làm việc rất khó khăn, chế độ chính sách không thống nhất, đây là những khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Lực lượng trực tiếp tham gia công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn  mỏng, còn phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác nên chưa thể kiểm soát được các đoạn quốc lộ, đường bộ địa phương có xe quá tải lưu thông.

Do hoạt động đã gần 6 năm nên một số bộ cân KTTTX lưu động hay bị hư hỏng phải sửa chữa, thay thế; khó khăn về vị trí mặt bằng đủ điều kiện đặt bàn cân, đủ rộng để dừng xe đảm bảo an toàn (độ bằng phẳng, bề rộng mặt đường…), khi mưa lớn, nắng nóng, nhà, mái che không có, số lượng xe vào cân kiểm tra nhiều, trình độ lực lượng vận hành, quản lý thiết bị cân hạn chế, nên thiết bị hay bị hư hỏng; Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn đang được hoàn thiện.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Huyện cho biết, để khắc phục các tồn tại nêu trên, thời gian tới, Tổng cục ĐBVN sẽ triển khai một số giải pháp: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; Tham mưu, đề xuất, làm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của lực lượng Thanh tra giao thông các Sở GTVT, công chức thanh tra Tổng cục ĐBVN; quy định về chức danh và chế độ, kinh phí hoạt động của lực lượng làm việc tại các Trạm KTTTX lưu động, cố định và KTTTX bằng cân xách tay;

Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở GTVT, Công chức Thanh tra GTVT của các Cục QLĐB chủ động nắm bắt tình hình, thông qua phản ánh của báo chí và người dân và căn cứ tình hình thực tế, chủ động có kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất trên các đoạn đường có nhiều xe quá tải lưu thông, xe cơi nới thành thùng; tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn; đặc biệt là các trường hợp san tải trước khi vào cảng, dồn tải sau khi ra khỏi cảng, các trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe và xử phạt vi phạm hành chính đối với từng chủ thể có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel

Xe quá tải trọng xuất hiện bất cứ tuyến đường nào, kể cả đường cấm. Ảnh: TQ 

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trạm KTTTX trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chỉ đạo, tham mưu và hướng dẫn các đơn vị lắp đặt bộ thiết bị cân KTTTX trên các quốc lộ và đường cao tốc theo hướng áp dụng thiết kế mô hình trạm KTTTX 01 cấp cân và KTTTX tự động;

Tập huấn, hướng dẫn cho một số Sở GTVT, các Cục QLĐB, các chủ đầu tư, nhà đầu tư BOT về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc phối hợp cung cấp dữ liệu phục vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của xe ô tô chở hàng quá tải trọng, thay đổi kích thước thành thùng xe, nâng cao hiệu quả công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.

Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các cảng, bến thủy nội địa kiểm soát chặt chẽ các phương tiện chở hàng ra, vào cảng, các phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.

Tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe trên tuyến để nâng cao hiệu quả công tác, ngăn chặn và phòng ngừa sai phạm.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương mở các đợt cao điểm tuyên truyền về kiểm soát tải trọng phương tiện; nêu gương điển hình tốt và chưa tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trần Quý