Hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm 2021, phát huy những kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc, Thanh tra Chính phủ đã chủ động, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối và thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cụ thể như: Triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1849/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Chủ động ban hành Kế hoạch 383/KH-TTCP về việc phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại Báo cáo số 912/BC-TTCP, Thanh tra Chính phủ nêu một số kết quả nổi bật đã thực hiện như: Hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ đã ban hành các quyết định thành lập tổ kiểm tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.

Để tổ chức triển khai Kế hoạch 363/KH-TTCP về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, đông người, phức tạp, kéo dài và Kế hoạch 383/KH-TTCP về việc phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thanh tra Chính phủ đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, nắm tình hình, giải quyết khiếu nại do Ban Tiếp công dân Trung ương chủ trì.

Xử lý 6 đơn liên quan đến công tác nhân sự

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, để hạn chế công dân tại các địa phương có “điểm nóng” về khiếu kiện tập trung tại Thủ đô gây áp lực đến các cơ quan Trung ương yêu cầu được giải quyết, gây mất an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra bầu cử, Thanh tra Chính phủ đã thành lập các tổ kiểm tra, rà soát đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo có thành viên thuộc các cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương theo Kế hoạch 383/KH-TTCP và Kế hoạch 276/KH-TTCP về việc kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các tỉnh: Bình Dương, Sóc Trăng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Trong thời gian từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/5/2021, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 811 lượt với 1.987 lượt công dân đến trình bày 763 vụ việc, số lượt đoàn đông người là 63 đoàn với 57 vụ việc. Trong đó: Khiếu nại 370 vụ việc, tố cáo 105 vụ việc, phản ánh và kiến nghị 288 vụ việc. Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực hành chính chiếm 47,8% (365/763). Ngoài ra lĩnh vực tư pháp chiếm 13,4% (102/763) và lĩnh vực nội dung khác chiếm 38,8% (296/763).

Có 2.647 đơn thư gửi đến Thanh tra Chính phủ được tiếp nhận, xử lý. Trong đó, thực hiện phân loại và xử lý 2.550 đơn, hiện còn 97 đơn đang xử lý. Trong 2.550 đơn đã xử lý: có 871 đơn được hướng dẫn, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc đề xuất chuyển đến các cục, vụ để kiểm tra, rà soát, chiếm khoảng 34,2%; 1.679 đơn được phân loại xử lý chiếm khoảng 65,8%. Qua công tác xử lý đơn thư, đã xử lý 6 đơn liên quan đến công tác nhân sự tham gia ứng cử HĐND các cấp.

Công tác phối hợp, đảm bảo an ninh, trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương cũng đã được Thanh tra Chính phủ quan tâm chỉ đạo, qua đó đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an Hà Nội, Công an quận Hà Đông và các địa phương để thống kê danh sách công dân khiếu kiện đang lưu trú tại Thủ đô  trong thời gian diễn ra bầu cử.

Ngoài ra, tích cực vận động và thuyết phục công dân khiếu kiện lưu trú tại Hà Nội trở về địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh, trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh, không để xảy ra diễn biến xấu, nhất là đối với những trường hợp công dân khiếu kiện lưu trú dài ngày tại Trụ sở.

 

Thái Hải