Mới đây, ngày 23/2/2021, TTCP có Thông báo số 262 về kết quả kiểm tra, rà soát lại vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi (sinh ngày 10/6/1953, tại Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) khẳng định các khiếu nại của ông hơn 30 năm qua là đúng và yêu cầu các cơ quan liên quan phải thực hiện khôi phục, bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ cho ông Lợi để có cơ sở khôi phục các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), hưởng các chính sách theo đúng quy định pháp luật như: BHXH, BHYT, chế độ người có công với cách mạng.

Điều khiến dư luận quan tâm là trong suốt thời gian hơn 30 năm đó, nguyên nhân nào khiến ông Lợi bị như thế? Những ai, những cơ quan nào đã gây nên việc này và sắp tới đây (ngày 31/3/2021) sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kết quả vụ việc theo đúng tinh thần kiến nghị của TTCP đã nêu trong Thông báo 262?

Báo Thanh tra đã đi tìm hiểu và làm rõ chân tướng của vụ việc này.

Được trả lại quyền lợi sau 32 năm khiếu nại

Theo kết luận, qua kiểm tra, rà soát, TTCP xác định ông Nguyễn Ngọc Lợi là cán bộ đi B, được Ủy ban Thống nhất (UBTN) của Chính phủ cử đi học. Kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc cho thấy các nội dung khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi là có cơ sở giải quyết.

Việc để xảy ra khiếu nại và việc giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan.

TTCP đề nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan khôi phục, bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ cho ông Lợi để có cơ sở khôi phục các chế độ BHXH, BHYT, hưởng các chính sách theo đúng quy định pháp luật như: BHXH, BHYT, chế độ người có công với cách mạng.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT), UBND tỉnh Phú Thọ kiểm điểm và chỉ đạo Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Sở Y tế Phú Thọ, Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở các kiến nghị của TTCP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các bộ ngành có liên quan, UBND tỉnh Phú Thọ và Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên thực hiện kiến nghị của TTCP.

"Đến nay TTCP khẳng định những khiếu nại, kiến nghị của tôi là đúng và hồ sơ giấy tờ của tôi vẫn lưu trữ tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên thì tôi như được khai sinh lại ở cái tuổi gần đất xa trời. Quyền lợi vật chất sẽ được phục hồi nhưng thứ đáng giá hơn với tôi là danh dự được trả lại" - ông Lợi xúc động sau khi nhận được kết luận thanh tra.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi là ai?

Vào khoảng tháng 6/2020, phóng viên Báo Thanh tra có nhận được thông tin của ông Nguyễn Ngọc Lợi phản ánh về hoàn cảnh bất hạnh của cuộc đời mình trong mấy chục năm qua khi bị các cơ quan chức năng “trù dập” khiến ông gặp bao khổ cực, oan trái.

Ông Lợi nguyên là cán bộ đi B thuộc UBTN của Chính phủ.

Năm 1976 ông Lợi được UBTN gửi đi học và ôn thi tại Trường Hùng Vương (Phú Thọ). Sau khi thi đỗ đại học, năm 1977 ông được UBTN cử đi học tại Trường Đại học Y Bắc Thái theo tinh thần tại Công văn 400/TC của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hữu Dực ký và Quyết định số 54/QĐ-UBTN của Chính phủ do ông Đặng Thí, Chủ nhiệm UBTN của Chính phủ ký ngày 12/10/1977.

Trong 6 năm học tại trường thì có 4 năm ông Lợi là sinh viên giỏi.

Năm 1983 ông Lợi thi xong chung kết và các môn thi tốt nghiệp (chỉ còn môn lý thuyết nội - nhi) nhưng do có mâu thuẫn với cán bộ trong trường nên bị đình chỉ thi và tiến hành kỷ luật đuổi về địa phương vì cho rằng hồ sơ vào trường của ông không trung thực. Đây được coi là lần bị “trù dập” thứ nhất, cũng là khởi nguồn cho “bi kịch” cuộc đời ông.

Sau 5 năm liên tục kêu cứu lên các cơ quan của Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức 3 cuộc thanh tra nhằm làm rõ vụ việc. Qua đó, đi đến kết luận khẳng định Quyết định 54/UBTN và giấy thôi trả lương do UBTN của Chính phủ cấp cho ông Lợi là đúng và hợp pháp. Vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu Trường Đại học Y Bắc Thái sửa sai bằng cách hủy các quyết định kỷ luật và bảo lưu kết quả tốt nghiệp năm 1983 của ông Lợi, đồng thời bồi thường 5 năm tiền lương (từ năm1983 đến 1988) cho ông.  

Mọi việc tưởng như đã xong và Trường Đại học Y Bắc Thái công nhận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa cho ông (năm 1988). Vì theo quy định tại thời điểm đó, ông là cán bộ thuộc UBTN cử đi học thì Trường Đại học Y Bắc Thái phải trả ông về đó nhưng họ đã không làm vậy mà chuyển ông về Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú sai với nguyên tắc tổ chức và trái với luật lệ. Thêm nữa, trong hồ sơ của ông thì họ chỉ gửi một số giấy tờ mập mờ trong đó còn có cả văn bản của trường về việc kỷ luật sai đối với ông Lợi.

Đây có thể nói là cuộc “trù dập” lần thứ 2, nhưng cũng được manh nha từ lần trước, đã đưa cuộc đời ông rơi vào “bi kịch”. Vì từ ngày Trường Đại học Y Bắc Thái ban hành quyết định điều động không đúng ông về Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) thì họ cũng cắt luôn hộ khẩu của ông. Sau đó thì trường đổi cho Sở Y tế Phú Thọ. Sở lại bảo trường và ông gần như là người từ trên trời “rơi xuống”, vì không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh ông là ông Lợi, hộ khẩu lúc này cũng chẳng biết ở đâu!

“Sau khi tốt nghiệp, tôi đã báo cáo với Văn phòng Chính phủ và được sự đồng ý cho tôi chọn nơi công tác. Tôi đã xin được 2 nơi cùng tiếp nhận là Ủy ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia và Bệnh viện Bưu điện nhưng Trường Đại học Y Bắc Thái lại chuyển hồ sơ và điều động tôi về công tác tại Sở Y tế Vĩnh Phú năm 1990. Cũng chính vì điều động sai nguyên tắc tổ chức và trái luật nên tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đã trả hồ sơ của tôi về trường năm 1991” - ông Lợi cung cấp.

Ông Lợi cho biết thêm: Sau nhiều năm khiếu nại, Bộ Y tế đã thanh tra, các cơ quan Trung ương xác nhận và Trường Đại học Y Bắc Thái phải bảo lưu kết quả tốt nghiệp cho ông. Sau đó ông được lựa chọn làm việc ở Ủy ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia hoặc Bệnh viện Bưu điện nhưng bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu không có hồ sơ giấy tờ liên quan để bố trí công việc. Nguyên do là Trường Đại học Y Bắc Thái thông báo đã chuyển hồ sơ, điều ông về công tác tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú và bị thất lạc hồ sơ.

Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo

Ít ai biết rằng vụ việc này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan tâm chỉ đạo từ năm 2013 (khi đó ông còn là Phó Thủ tướng Chính phủ) và quá trình chỉ đạo liên tục từ đó cho đến ngày 10/10/2020 khi Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo giao cho TTCP vào cuộc thì sự việc mới được sáng tỏ như trong Thông báo kết luận thanh tra số 262 ngày 23/2/2021.

Xuất phát từ những dòng chữ viết tay vào đơn của ông Nguyễn Ngọc Lợi của cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải gửi đích danh tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) vào ngày 25/11/2013 mà sau đó dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì Công an TP Hà Nội đã thực hiện các thủ tục để làm hộ khẩu cho ông Lợi và đến ngày 8/7/2014 thì ông mới được cấp chứng minh thư nhân dân.

Kể từ đây ông mới có đầy đủ quyền công dân của mình vì từ năm 1990 khi Trường Đại học Y Bắc Thái chuyển ông về Phú Thọ thì họ cũng cắt khẩu của ông về đó luôn nhưng khi ông đi hỏi thì họ đều trả lời là không biết đang ở đâu và ông cũng trở thành người không có hộ khẩu từ đó.

Trong thời gian đó, ông Lợi đã phải lấy vợ chui và không có kết hôn, con ông sinh ra nhưng ông cũng không thể khai sinh vì ông không có hộ khẩu và phải học trái tuyến...

Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn gây khó khăn cho ông trong nhiều năm liền, đến ngày 1/10/2019 ông lại có đơn tiếp tục gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Rất nhanh sau đó, ngày 11/10/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9309 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi; trả lời công dân và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 28/7/2020, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo về việc xử lý đơn của ông Nguyễn Ngọc Lợi theo Công văn số 9309 của Văn phòng Chính phủ, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã không đồng ý với nội dung kết quả trong báo cáo này.

Ngày 10/10/2020, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục có Công văn số 8509 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao TTCP chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi; đề xuất biện pháp, có lý có tình, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2020.

Từ công văn này, TTCP nhanh chóng vào cuộc và chỉ sau 15 ngày đã có bản kết luận thể hiện kết quả giải quyết vụ việc một cách thấu tình, đạt lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, được bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi tâm phục, khẩu phục và dư luận cả nước hoan nghênh.

Những tổ chức, cá nhân nào đã báo cáo sai sự thật với Thủ tướng Chính phủ; họ sẽ chịu trách nhiệm đến đâu... Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin để làm sáng tỏ những nội dung này.

Nam Dũng - Thành Nam