Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, các địa phương, đơn vị trong toàn ngành đã nỗ lực vượt bậc để triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, góp phần khống chế hiệu quả dịch COVID-19, giảm số ca diễn biến nặng, tử vong tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố; truy vết, khoanh vùng, cách ly triệt để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và tiêm chủng vắc xin với số lượng lớn, hiệu quả cao nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương đang được thực hiện đúng và hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Kiểm soát giá xét nghiệm COVID-19 chưa chặt 

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, qua kiểm tra trực tiếp, tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị và phản ánh của một số cơ quan truyền thông cho thấy, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương, đơn vị còn xuất hiện tồn tại, hạn chế như: Chưa thực hiện tốt nguyên tắc 5K trong các hoạt động phòng chống dịch; còn tình trạng chủ quan, lơ là để lây nhiễm từ nơi có ổ dịch, trong khu cách ly, điều trị ra ngoài cộng đồng; việc tiêm vắc xin COVID-19 chưa tuân thủ theo đúng đối tượng và quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; chậm trễ trong việc tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện điều trị COVID-19; giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân; kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá bất hợp lý đối với khẩu trang, trang phục phòng chống dịch, các loại thuốc có thông tin liên quan đến hiệu quả điều trị COVID-19; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền chưa được quan tâm và chú trọng….

Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm, trang thiết bị phòng, chống dịch sẽ chấn chỉnh được những hạn chế, thiếu sót tại các doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp có cơ hội minh bạch, công khai thông tin, giá cả, ổn định sản xuất. Đặc biệt là người dân có cơ hội tham khảo, sử dụng dịch vụ y tế phù hợp.

Để thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế, từng bước kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất, tại văn bản ban hành ngày 23/9 về việc tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc thuộc Bộ Y tế phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Tăng cường thanh tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi tránh lạm dụng, lãng phí; triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả; kiểm tra, giám sát khắc phục ngay những tồn tại liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung, nhất là việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế lưu ý các địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn và trong từng đơn vị; việc thực hiện tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19 và chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19”, việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định COVID-19; việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.

Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

“Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Phương Anh