Xin đồng chí cho biết những nét chính trong kết quả thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Đảng trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng ủy TTCP?

- Phó Bí thư Đảng ủy Hoàng Thái Dương: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đảng ủy TTCP xác định xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị tư tưởng là nhiệm vụ then chốt. Ngay sau Đại hội, Đảng ủy TTCP đã ban hành Quy chế làm việc của UBKT Đảng ủy TTCP nhiệm kỳ 2015-2020; Chương trình công tác của UBKT Đảng ủy TTCP nhiệm kỳ 2015 - 2020; Thông báo phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí Ủy viên UBKT; ban hành hệ thống các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc xây dựng quy chế làm việc, chương trình hoạt động, chương trình kiểm tra, giám sát; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy trình, quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Trung ương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương để ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng ủy TTCP thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương và cấp ủy cấp trên, UBKT cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát.

Đảng ủy đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định về lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tiến hành kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch, giám sát theo chuyên đề đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục. Các đảng bộ, chi bộ không thuộc đối tượng kiểm tra của Đảng ủy thì tự kiểm tra, giám sát theo kế hoạch và báo cáo kết quả với Đảng ủy TTCP. Tăng cường công tác quản lý và kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc thực hiện Điều lệ Đảng, duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ, đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ và thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo; thường xuyên phối hợp với UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh.

Hàng năm, UBKT Đảng ủy đều xây dựng chương trình công tác kiểm tra giám sát, lựa chọn nội dung để kiểm tra, giám sát như: Việc thực hiện Chỉ thị số 114-CT/ĐU.22 ngày 26/10/2016 về tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ TTCP; Chỉ thị số 79-CT/ĐU.22 ngày 4/7/2018 về tăng cường kỷ luật phát ngôn trong Đảng bộ TTCP; công tác quản lý đảng viên khi ra nước ngoài, quan hệ với cá nhân, tổ chức nước ngoài; công tác phát triển đảng trong Đảng bộ; việc thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện các Hội nghị Trung ương khóa XIIcủa Đảng.

Ban Cán sự Đảng phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo thành lập Tổ công tác để rà soát các đơn tố cáo nội bộ phức tạp, kéo dài; giải quyết đơn thư phát sinh trong nội bộ, giải quyết đơn thư do Đảng ủy khóa XXI chuyển sang và phát sinh mới; chuyển đơn thư giải quyết theo thẩm quyền của các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Việc thi hành kỷ luật đảng được Đảng ủy, UBKT Đảng ủy thực hiện đảm bảo đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/ĐUK ngày 18/3/2013 của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, Kết luận số 162-KL/ĐUK ngày 26/12/2017 về tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, nghị quyết về công tác kiểm tra, giám sát của Ban cán sự đảng, Đảng ủy và các cấp ủy đảng xây dựng và thực hiện chương trình công tác kiểm tra, giám sát hàng năm; tiến hành sơ kết, tổng kết các văn bản của Trung ương, của cấp ủy cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng cũng như công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy trực thuộc và Đảng ủy TTCP.

+ Xin đồng chí cho biết về ưu, nhược điểm; những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát?

- Phó Bí thư Đảng ủy Hoàng Thái Dương: Có thể nói, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy với Ban Cán sự Đảng, giữa cấp ủy với lãnh đạo của các cục, vụ, đơn vị, tạo sự thống nhất trong hoạt động của cơ quan. Cấp ủy đảng các cấp đã tích cực đổi mới lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng, đạo đức, tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát; quan tâm củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đi đôi với giải quyết dứt điểm những vấn đề nảy sinh vướng mắc, bất cập kéo dài.

Công tác kiểm tra giám sát được thực hiện khá toàn diện; phương pháp kiểm tra, giám sát cơ bản thực hiện đúng quy trình, quy định; sau kiểm tra, giám sát đã kịp thời thông báo kết luận, đánh giá đúng ưu điểm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tổ chức đảng cấp dưới, chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng, củng cố, nâng cao đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, cụ thể như: Một số đảng bộ, chi bộ chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát ở một số đảng bộ, chi bộ chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức; việc giám sát, quản lý đảng viên của một số cấp uỷ đảng chưa chặt chẽ, nhất là quản lý đảng viên đi công tác xa, dài ngày. Tình trạng đơn thư tố cáo vẫn còn tồn tại chưa xử lý dứt điểm, đặc biệt là hiện tượng tố cáo vì mục đích cá nhân, thiếu ý thức xây dựng.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

- Một số cấp uỷ đảng và các đồng chí đảng uỷ viên phụ trách các đảng bộ, chi bộ chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chi bộ tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát.

- Năng lực lãnh đạo, phương pháp điều hành, tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của một vài cấp ủy viên và đảng viên là cán bộ lãnh đạo còn hạn chế.

- Ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của một số ít đảng viên chưa có chuyển biến tốt; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh những việc khó, việc phức tạp.

Để công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được triển khai và thực hiện có hiệu quả, trong nhiệm kỳ tới, Đảng ủy TTCP sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa ông?

- Phó Bí thư Đảng ủy Hoàng Thái Dương: Nhiệm kỳ tới cần phải quan tâm đặc biệt hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, đặc biệt là việc lựa chọn đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; lựa chọn phương pháp kiểm tra, giám sát tích cực, hiệu quả. Tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát của người đứng đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng kiểm tra là nguồn gốc của thắng lợi…chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức kiểm tra được chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm… Người nhắc nhở “hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” công việc vẫn không chạy”.

Về cán bộ kiểm tra, người yêu cầu lãnh đạo phải đích thân đi kiểm tra, đồng thời phải có nhóm chuyên trách đủ năng lực và phẩm chất và xác định rõ trách nhiệm  kiểm tra “không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và uy tín…”.

Công tác kiểm tra phải cụ thể, triệt để. Kết quả kiểm tra cần được lượng hóa chi tiết. Năng lực kiểm tra cũng là yếu tố cơ bản để đánh giá năng lực lãnh đạo, làm cơ sở sắp xếp, sử dụng cán bộ. Người cho rằng cần có những phương thức đối với những cán bộ chưa đảm bảo yêu cầu cách mạng“đối với những loại người cậy mình là “công thần cách mạng” ngang tàng, không giữ kỷ luật, phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật để chữa tính kiêu ngạo. Đối với hạng người nói suông, tuy thật thà, trung thành nhưng không có năng lực làm việc không dùng vào việc thực tế”.

Về phương pháp kiểm tra, Người luôn đề cao việc kiểm tra đột xuất, trực tiếp, hiệu quả, chống bệnh quan liêu xa rời thực tế. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, khi kiểm tra tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Sơn Tây, Người đi thẳng vào khu doanh trại kiểm tra nơi ăn, ở của bộ đội. Sáng ngày 2 tháng 1 năm 1958, đi kiểm tra việc chống hạn ở Tả Thanh Oai, Người xách dép, xắn quần đi thẳng ra cánh đồng, lội ruộng tát nước với người dân. Đêm 30 Tết năm 1960, lúc gần tới giao thừa, Người đi thăm một gia đình nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội… Người nói với Bộ Chính trị: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự do dân, vì dân. Một số lãnh đạo địa phương còn quan liêu, nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát sẽ giúp cho công tác xây dựng Đảng đi vào thực chất, toàn diện và hiệu quả; chống bệnh quan liêu, tệ tham nhũng, lối sống cơ hội, hám danh của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng của chúng ta ngày càng khó khăn phức tạp. Công tác kiểm tra,giám sát là yếu tố căn bản để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực và phẩm chất đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

+ Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Nhuần (Thực hiện)