Chú trọng việc triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch

Ông Nguyễn Hồng Diện, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp chia sẻ, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công văn hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ đã tạm dừng hoạt động thanh tra. Vì vậy, tiến độ triển khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch còn chậm. Song, các đơn vị thuộc Bộ vẫn thực hiện công tác thanh tra cơ bản theo đúng định hướng, kế hoạch được phê duyệt, triển khai thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Phần lớn các cuộc thanh tra đã thực hiện đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, kết thúc đúng thời hạn, kết luận, kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi. Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành trên hầu khắp các lĩnh vực thuộc Bộ.

Từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/9/2021, Bộ đã đã tiến hành 27 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và thanh tra xác minh để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, đã triển khai 3 đoàn thanh tra hành chính trong đó 1 đoàn thanh tra theo kế hoạch, 2 đoàn thanh tra đột xuất, hiện đang trong thời gian tiến hành thanh tra và hoàn thiện các kết luận thanh tra. Qua công tác thanh tra, Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số tồn tại, vi phạm của cơ quan, đơn vị được thanh tra và kiến nghị xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã triển khai 3 đoàn thanh tra chuyên ngành, ban hành 3 kết luận thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, một số đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, các đối tượng được thanh tra còn một số vi phạm và sẽ được xử lý theo quy định.

Về thanh tra đột xuất, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Diện cho biết, Bộ Tư pháp đã triển khai 21 đoàn thanh tra đột xuất, đoàn thanh tra xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có 8 đoàn thanh tra đột xuất, 13 đoàn thanh tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến nay, Thanh tra Bộ đang lấy ý kiến giải trình của các cơ quan, đơn vị, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, báo cáo xác minh.

Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Tư pháp đã phát hiện vi phạm và ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là gần 170 triệu đồng; kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức, tập thể, cá nhân có vi phạm.  

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, những kết quả đã đạt được như trên, có thể khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của Bộ Tư pháp vẫn được duy trì, kịp thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật; chú trọng việc triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch, công tác thanh tra đột xuất tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch không để xâm nhập, lây lan trong cơ quan, gia đình và xã hội, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị", ông Diện nhấn mạnh.

Điều chỉnh kế hoạch thanh tra phù hợp với tình hình mới

Song song với việc thực hiện đúng kế hoạch thanh tra, Bộ Tư pháp cũng đã căn cứ vào tình hình thực tế cùng với diễn biến dịch bệnh Covid-19 đã tổ chức các hội nghị trực tuyến tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ ngày 22/1/2021 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra năm 2021 và Nghị quyết số 11-NQ/BCSĐ ngày 22/1/2021 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về việc lãnh đạo công tác kiểm tra năm 2021; Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn cơ quan, đơn vị...

Về phương hướng trong những tháng cuối năm, ông Diện chia sẻ, Bộ Tư pháp hướng đến tiếp tục điều chỉnh kế hoạch công tác thanh tra bảo đảm phù hợp với nguồn kinh phí sau khi đã cắt giảm theo Nghị quyết số 58/ND-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ và phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid -19.

 Với việc thực hiện biện pháp này, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp có thời gian và biện pháp khắc phục khó khăn hậu Covid - 19, ổn định sản xuất. 

Đồng thời, tiếp tục triển khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2021 đã được điều chỉnh; hoàn thiện kết luận của các cuộc thanh tra đã tiến hành trong 9 tháng qua.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý, sử dụng ngân sách; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; bán đấu giá tài sản; hộ tịch có yếu tố nước ngoài; tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý mà xã hội quan tâm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường chỉ đạo công tác tự kiểm tra của các cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp nhằm đánh giá, kết luận trách nhiệm của đơn vị và người đứng đầu đơn vị được thanh tra trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế và những vấn đề còn bất cập, vướng mắc (nếu có); làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp khắc phục, xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường công tác kiểm tra sau thanh tra; tích cực đôn đốc các đơn vị đã từng là đối tượng thanh tra thực hiện và có báo cáo về việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; thành lập các đoàn kiểm tra thực tế tại địa phương...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)


Thái Hải