Theo Quy chế Phối hợp, hai cơ quan phối hợp trao đổi cung cấp thông tin, chỉ đạo, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) liên quan đến tổ chức Đảng và đảng viên; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoặc có KN,TC liên quan đến tổ chức Đảng, đảng viên thuộc Đảng ủy Khối quản lý thì phối hợp thanh tra, kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền.

Phối hợp xem xét những vấn đề liên quan trước khi kết luận, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định hình thức xử lý, kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên và thông báo kết quả giải quyết.

Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm phối hợp của hai cơ quan trong đó nêu rõ khi tiến hành các cuộc họp thường kỳ, đột xuất về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, nếu có nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác của TTCP hay khi tiến hành họp để chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật những vụ việc tham nhũng, tiêu cực có liên quan đến tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, trong trường hợp cần thiết thì hai bên có trách nhiệm thông báo để cử cán bộ dự.

Khi có yêu cầu cử cán bộ phối hợp, cơ quan đề nghị chủ động gửi văn bản cho cơ quan được đề nghị cử cán bộ tham gia thực hiện. Khi cần lấy ý kiến tham gia, cơ quan lấy ý kiến gửi văn bản kèm theo tài liệu cần thiết trước 10 ngày làm việc để cơ quan được lấy ý kiến chủ động chuẩn bị nội dung tham gia. Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, cơ quan được lấy ý kiến có văn bản trả lời.

Hai cơ quan chủ động trao đổi, cung cấp thông tin bằng văn bản, tài liệu được thẩm tra, xác minh, kết luận về những vấn đề có liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên hoặc liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Những vấn đề quan trọng, cần phải họp để trao đổi, thống nhất thì cơ quan nêu vấn đề chủ trì tổ chức hợp đại diện lãnh đạo hai cơ quan trước khi quyết định theo thẩm quyền của mỗi cơ quan hoặc đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. Nếu hai cơ quan còn có ý kiến khác nhau thì báo cáo đầy đủ các ý kiến đó để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương và Ban Cán sự Đảng TTCP. Ảnh: PH

Trường hợp phức tạp, có nội dung phát sinh cần phải thẩm định mà quá thời hạn quy định thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan kia biết. Nếu quá thời hạn quy định mà không có ý kiến trả lời thì coi như nhất trí và cùng chịu trách nhiệm về vấn đề được trao đổi.

Hàng năm hoặc khi cần thiết, hai cơ quan tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện, luân phiên chủ trì, phối hợp chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần họp.

Phát biểu tại lễ ký Quy chế Phối hợp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Huỳnh Tấn Việt và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho rằng, việc ký kết quy chế lần này là dấu mốc quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác của hai cơ quan trong việc quán triệt, triển khai và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên Khối Các cơ quan Trung ương.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong, kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng , đây là bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo.

Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của đại diện hai cơ quan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Huỳnh Tấn Việt và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đã ký thông qua Quy chế Phối hợp.

Quy chế có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới, hai bên sẽ trao đổi, thống nhất để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Phương Hiếu