Chú trọng công tác PCTN trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh tra về kết quả công tác trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục trưởng Cục PCTN Hoàng Thái Dương cho biết, trong thời gian TP Hà Nội và nhiều tỉnh, TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý Nhà nước và triển khai thực hiện công tác PCTN được ngành Thanh tra triển khai tích cực, nhất là về công tác xây dựng thể chế, triển khai Luật PCTN và các văn bản quan trọng như việc thực hiện Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập; TTCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thành Dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập để Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; đồng thời, đã trình Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; tổ chức thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực...

Ngoài ra, TTCP triển khai công tác đánh giá PCTN đối với các bộ, ngành, địa phương, qua đó nắm thông tin, phản ánh của người dân, doanh nghiệp để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

“Đáng lưu ý, trong quá trình triển khai nhiệm vụ trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo TTCP chỉ đạo, quán triệt thanh tra các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố chú trọng đến việc nắm bắt tình hình, phản ánh của người dân và doanh nghiệp, xem xét xử lý những vấn đề đặc biệt liên quan việc triển khai công tác PCTN trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, Cục trưởng Cục PCTN nhấn mạnh.

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN, lãng phí tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện, đã có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy.

Công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực.

Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động PCTN từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Cũng trong thời gian qua, TTCP đã hoàn thành việc đánh giá công tác PCTN năm 2019 tại các tỉnh, thành phố, công khai kết quả đánh giá trên cổng thông tin điện tử của TTCP và gửi kết quả cho Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố.

Đồng thời triển khai tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; triển khai thực hiện công tác PCTN cơ quan TTCP; triển khai kế hoạch, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổng kết việc thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 và kế hoạch thực thi Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến Nghị quyết 86 Hội nghị Quốc gia thành viên UNCAC.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Hoàng Thái Dương cho biết, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, TTCP và ngành Thanh tra tiếp tục bám sát đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện hiệu quả các mặt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế đất nước.

Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), Đề án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập…

Toàn ngành chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, kết quả công tác PCTN liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTN trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTN; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm… hoặc lợi dụng hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi.

Triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 3/6/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Toàn ngành tiếp tục củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực đơn vị chuyên trách PCTN đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác quản lý Nhà nước về PCTN (thể chế, chính sách), công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

Bên cạnh đó, tổng kết Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện UNCAC; đề xuất việc ban hành chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về công tác PCTN cho các giai đoạn tiếp theo.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Phương Anh