Chưa chuyển biến ở cấp xã

UBND 9 tỉnh, thành thí điểm đã lựa chọn và triển khai thực hiện thí điểm tại 1.042 đơn vị hành chính cấp huyện và xã, trong đó, số đơn vị hành chính cấp huyện là 72, số đơn vị hành chính cấp xã là 970. UBND 9 tỉnh, thành thí điểm và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thí điểm đã ban hành tổng cộng 2.092 văn bản, kế hoạch, quyết định theo thẩm quyền để chỉ đạo, triển khai thực hiện thí điểm.

Tại 9 tỉnh, thành thí điểm, đã giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cho 5.090 người, trong đó cấp huyện có 775 người, cấp xã 4.315 người. Trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có 10,8 người; mỗi đơn vị hành chính cấp xã có 4,4 người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP; đã đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cho 5.010 người, trong đó cấp huyện có 749 người, cấp xã 4.261 người.

Tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra đã triển khai tại các địa bàn thí điểm của 9 tỉnh thí điểm là 2.731 đoàn và 8 cuộc thanh tra độc lập, trong đó, số đoàn thanh tra là 992 (36,3%), số đoàn kiểm tra là 1.731 (63,4%), thanh tra độc lập là 8 (0,3%). Trung bình mỗi đơn vị hành chính thí điểm triển khai 2,6 đoàn/12 tháng. Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn thí điểm là 118.453 cơ sở, trung bình mỗi đơn vị hành chính thí điểm đã thanh tra, kiểm tra 113 cơ sở. Số cơ sở vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra trong thời gian thí điểm là 17.698 cơ sở (chiếm 14,94%), trong đó, đã xử phạt 9.476 cơ sở với tổng số tiền phạt là 23,7 tỷ đồng. Trung bình phạt tiền 3,14 triệu đồng/1 cơ sở.

Mặc dù báo cáo tổng kết của UBND 9 tỉnh, thành thí điểm đánh giá chưa đầy đủ, rõ nét kết quả thí điểm, nhưng với các tỉnh có số liệu báo cáo đánh giá kết quả thanh tra, xử lý vi phạm và tình hình về ATTP trên các địa bàn thí điểm, đã ghi nhận hiệu quả nhất định của hoạt động thanh tra chuyên ngành, nhất là tại cấp huyện, đã góp phần cải thiện tình hình về ATTP trên địa bàn thí điểm.

Kết quả thí điểm chung của 9 tỉnh, thành đều cho thấy chưa rõ nét về hiệu quả của hoạt động thanh tra chuyên ngành cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là ở cấp xã. Theo các tỉnh, thành thí điểm thì nguyên nhân có liên quan đến việc khoảng nửa cuối của thời gian thí điểm (từ tháng 2-7/2020) xảy ra dịch bệnh Covid-19, cả nước thực hiện phòng, chống dịch, giãn cách xã hội, hạn chế lễ hội, du lịch, dịch vụ; phần lớn các cơ sở dịch vụ ăn uống tạm ngừng hoạt động, hạn chế giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Chính phủ. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thí điểm, nên số liệu nêu trong báo cáo của 9 tỉnh, thành thí điểm chưa phản ánh được toàn diện kết quả thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.

leftcenterrightdel
 Tuyên truyền và hướng dẫn người dân đảm bảo ATTP là một trong những nhiệm vụ được Hà Tĩnh triển khai mạnh. Ảnh: Đan Quế
 

Báo cáo của 9 tỉnh, thành thí điểm cũng nêu chưa đầy đủ, chưa rõ ràng những chuyển biến tích cực một số chỉ số về ATTP, chưa rõ về hiệu quả của hoạt động thanh tra chuyên ngành so với trước khi thí điểm. Chỉ có 4/9 tỉnh thí điểm (44,4%) có báo cáo về số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm sản và thủy sản được nâng hạng xếp loại (từ xếp loại C lên A, B), kết quả có chuyển biến tốt hơn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, còn 5/9 tỉnh thí điểm không có đánh giá các chỉ số này so với trước khi thí điểm. Trong thời gian thí điểm, 1/9 tỉnh thí điểm có số cơ sở được thanh tra, kiểm tra cao hơn so với kỳ trước, 5/9 tỉnh thí điểm thấp hơn kỳ trước, 3/9 tỉnh thí điểm không có đánh giá; 4/9 tỉnh thí điểm tỷ lệ cơ sở vi phạm giảm so với kỳ trước, 1/9 tỉnh thí điểm cao hơn kỳ trước, 4/9 tỉnh thí điểm không có đánh giá; 4/9 tỉnh thí điểm tỷ lệ cơ sở vi phạm bị phạt tiền cao hơn kỳ trước, 1/9 tỉnh thí điểm tương đương kỳ trước, 4/9 tỉnh thí điểm không có đánh giá; 4/9 tỉnh thí điểm tổng số tiền phạt cao hơn kỳ trước, 3/9 tỉnh thí điểm giảm, 2/9 tỉnh thí điểm không có đánh giá; 2/9 tỉnh thí điểm trung bình phạt tiền/1 cơ sở cao hơn kỳ trước, 5/9 tỉnh thí điểm thấp hơn kỳ trước, 2/9 tỉnh thí điểm không có đánh giá.

Qua các chỉ số này, có thể thấy kết quả thanh tra trong thời gian thí điểm chưa rõ nét, số cơ sở được thanh tra chủ yếu giảm so với kỳ trước, chỉ 4/9 tỉnh thí điểm có tổng số tiền phạt tăng, 2/9 tỉnh thí điểm tiền phạt trung bình/1 cơ sở tăng.

Bộn bề khó khăn

Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, khó khăn lớn nhất và chủ yếu của việc triển khai thanh tra chuyên đề về ATTP là khâu nhân sự, đặc biệt là ở cấp xã.

Phần lớn các tỉnh thí điểm đều gặp khó ở khâu triển khai hướng dẫn cấp xã, cấp huyện thu thập số liệu theo bộ chỉ số tổng kết. Năng lực cán bộ cấp xã, cấp huyện vừa thiếu vừa yếu trong tổng hợp, phân tích đánh giá kết quả... dẫn đến cấp tỉnh không đủ số liệu để tổng hợp báo cáo. Trong khi 9 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện thí điểm tại 72 đơn vị hành chính cấp huyện và 970 đơn vị hành chính cấp xã.

Từ những vấn đề này, có 5/9 tỉnh thí điểm đã kiến nghị không triển khai thanh tra chuyên ngành ở cấp xã. Trên thực tế, đã thí điểm ở 970 đơn vị hành chính cấp xã và đã bộc lộ những hạn chế. Vì vậy, cần phải cân nhắc quy mô toàn quốc có hơn 10.600 đơn vị hành chính cấp xã, nếu triển khai thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chưa phù hợp ở giai đoạn hiện nay.

leftcenterrightdel
 Nhiều nội dung trong thanh tra ATTP "quá sức " của cấp xã. Ảnh: Đan Quế
 

Đó là chưa kể những khó khăn liên quan đến quy định pháp luật về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, Luật Thanh tra, Nghị định 07/2012/NĐ-CP không quy định cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện, cấp xã, nên việc triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện, cấp xã là chưa phù hợp với Luật Thanh tra, Nghị định 07/2012/NĐ-CP.

Tại khoản 7, Điều 3 và Điều 34 Luật Thanh tra; khoản 1, Điều 12 Nghị định 07/2012/NĐ-CP, quy định, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải là công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nhưng thực tế ở cấp huyện và xã, đặc biệt là cấp xã không có đủ công chức, nên Quyết định 47/2018/QĐ-TTg đã thí điểm giao viên chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, nếu triển khai mở rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện, cấp xã thì cần phải sửa đổi các quy định nêu trên của Luật Thanh tra và Nghị định 07/2012/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp xã là 5 triệu đồng đối với cá nhân, 10 triệu đồng đối với tổ chức. Trong khi đó, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đã răn đe hơn quy định cũ, nhiều trường hợp vượt quá thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phải chuyển hồ sơ lên cấp trên xử lý, nên quy trình sẽ phức tạp và mất thời gian hơn.

Mặt khác, quy trình thanh tra áp dụng theo Thông tư 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ được các tỉnh thí điểm báo cáo là rất khó để cấp huyện, cấp xã áp dụng, do rất nhiều trình tự, thủ tục; quy trình phức tạp nên nảy sinh tâm lý sợ sai, đặc biệt là với cấp xã. Đặc thù cuộc thanh tra đối với các cơ sở thuộc loại hình dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ và thức ăn đường phố, cơ sở giết mổ, chợ truyền thống... mà quá nhiều biểu mẫu, biên bản, báo cáo, kết luận… sẽ không phù hợp và rất khó khăn cho triển khai ở cấp huyện và xã.

Chưa kể đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ, hộ gia đình, doanh thu thấp, nhưng hành vi vi phạm lại có chế tài xử phạt cao cũng là một khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cấp xã quản lý. Còn nhiều bất cập trong quá trình thanh tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng nông sản tươi sống, như đòi hỏi kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định, chi phí lưu kho. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn hạn chế…

Đứng trước những khó khăn nói trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị gì lên Thủ tướng Chính phủ? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại để bạn đọc theo dõi.

Bài 4: Vì sao Thanh tra Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện thí điểm?

Đan Quế